Theo dõi trên

Loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện:  Cần sự chung tay cộng đồng

06/09/2017, 09:07

BT - Sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh năm 2015, giai đoạn 2016 – 2020, Bình Thuận tiến tới loại trừ bệnh phong theo quy mô cấp huyện, phải đạt 4 tiêu chí theo Thông tư 17 của Bộ Y tế.

Số ca mắc giảm

Đó là 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân. 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng. 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong. 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.

Đơn cử tại Tuy Phong, với 93 bệnh nhân phong đang được quản lý (73 bệnh nhân chăm sóc tàn tật); thì 2 thị trấn Liên Hương (30 bệnh nhân) và Phan Rí Cửa (32 bệnh nhân) có số ca mắc đông nhất huyện, chiếm tỷ lệ 66,67% so với số ca mắc toàn huyện. Song, mỗi năm tỷ lệ lưu hành bệnh của huyện đạt dưới mức 0,2/10.000 dân. Tương tự, Phan Thiết đang quản lý 105 bệnh nhân phong; trong đó 88 bệnh nhân được chăm sóc tàn tật, số phát hiện mắc mới là 2. Các phường có số người mắc bệnh cao là Mũi Né, Hưng Long, Đức Long, Phú Tài. Nguồn lây bệnh được kiểm soát và khống chế mức thấp: năm 2014 tỷ lệ lưu hành bệnh là 0,17/10.000 dân. Tỷ lệ này giảm vào năm 2015 (0,086/10.000 dân) và năm 2016 (0,085/10.000 dân).

Theo bác sĩ Võ Ngọc Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Y tế Phan Thiết), những năm gần đây, tỷ lệ lưu hành bệnh cũng như số bệnh nhân mắc mới tại Phan Thiết đều giảm; đảm bảo bệnh nhân hoàn thành đúng thời gian điều trị; phát hiện sớm, điều trị kịp thời ca phản ứng phong... Căn cứ vào tình hình dịch tễ, Phan Thiết thực hiện tương đối tốt kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Tuy nhiên, trong 4 tiêu chí của Bộ Y tế, tiêu chí người bệnh phong có nhà ở là một tiêu chí khó.

Khó về nhà ở

Được biết, Phan Thiết có 86 bệnh nhân khuyết tật nặng, chiếm tỷ lệ 81,9% trong tổng số bệnh nhân quản lý (105). Trong đó, có 4 bệnh nhân không có nhà, phải ở thuê nhà trọ, số còn lại sống chung với người thân. Tương tự, tỷ lệ bệnh nhân khuyết tật nặng tại Tuy Phong là 78,5%, tương ứng 73 bệnh nhân; với 2 trường hợp không nhà, 3 trường hợp sống trong nhà tạm bợ.

Bệnh nhân phong đa số là bệnh nhân nghèo, nên họ vừa vật lộn với căn bệnh vừa bươn chải với miếng cơm manh áo. Vì vậy, sự phục hồi để chống tàn tật cho bệnh của bản thân là rất khó. Với bệnh nhân già càng khổ hơn, tất cả vật chất sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào con cái, nhưng con của họ cũng chẳng khá giả gì. Chẳng hạn, bệnh nhân N. V. X. (Bình Tân – La Gi) bị lỗ đáo nặng 1 chân, chân còn lại bị cụt. 5 thành viên sống trong căn nhà chật hẹp, nền ẩm thấp, mái nhà thì dột khi có mưa. Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vợ, cuộc sống khá vất vả. Ông X. vẫn phải đi làm để phụ giúp gia đình, nên lỗ đáo khó lành, do đó đâu dám mơ tới nhà cửa cho khang trang. Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Lành (phụ trách chương trình chống phong tại La Gi).

Sự chung tay của cộng đồng

Bác sĩ Tuấn phân trần: “Với đô thị như Phan Thiết, là nơi đất chật người đông, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, mà lại nhiều bệnh nhân phong tàn tật nặng ở nhà tạm, không có nhà ở… Trong khi, loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện phải đạt 4 tiêu chí. Ngành y tế thực hiện được giám sát, phát hiện và điều trị bệnh… vượt khả năng chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình góp phần phục hồi chức năng lao động cho người bệnh. Riêng tiêu chí về nhà ở cho bệnh nhân, ngành y tế mong có sự chung tay của cộng đồng”.

Có thể nói rằng, sự chung tay của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn “về đích” của loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Đó là hỗ trợ về kinh tế, tạo “cần câu” bằng nhiều hình thức, đồng thời hỗ trợ nhà ở, sửa chữa nhà ở cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện:  Cần sự chung tay cộng đồng