Theo dõi trên

Luận bàn xung quanh chiếc khẩu trang!

06/02/2020, 10:02

BT- 1. Dịch vi rút corona chưa có dấu hiệu dừng, khi số ca và địa bàn có người nhiễm vi rút ngày một tăng lên. Các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đang chạy đua với thời gian, để tìm ra thuốc khống chế vi rút. Giữa tâm bão corona, với sự khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân đã nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh bằng cách hạn chế đến chỗ đông người, trang bị khẩu trang, nước rửa y tế. Trong đó, khẩu trang là mặt hàng được nhiều người lựa chọn. Lợi dụng việc người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay y tế để phòng dịch, không ít quầy thuốc đã tăng giá bán lên gấp 3, 4 lần, thậm chí có nơi tăng lên đến 10 lần. Cụ thể thông thường 1 hộp khẩu trang có giá bán dao động từ 30.000 – 40.000 đồng, thì nay dao động từ 120.000 đồng đến trên 300.000 đồng, mặc cho trước đó Chính phủ có chỉ đạo rút giấy phép kinh doanh, nếu các công ty, quầy thuốc tăng giá bán khẩu trang khi người dân mua chống dịch. Thậm chí, nhiều chợ thuốc lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều tiểu...

                
      
   Cậu bé 11 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh đã dùng hơn 10 triệu    đồng mua khẩu trang tặng cho người đi đường.

 Hành vi lợi dụng sự lo sợ của người dân trước đại dịch để tăng giá bán trong thời điểm này không khác nào là “thừa nước đục thả câu” nhằm trục lợi, mà xa hơn là cho thấy nhận thức và đạo đức trong kinh doanh của không ít người, khi xã hội có những vấn đề cấp bách.

2. Về cơn “sốt” khẩu trang, có thể thấy, chính tâm lý đám đông và thói quen của người dân đã góp phần tạo ra cơn sốt. Bởi trước đó ngành y tế cũng đã có thông báo về việc không sợ thiếu khẩu trang để phòng dịch, khi hiện cả nước có đến 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, với công suất trung bình 3 triệu chiếc mỗi ngày. Thế nhưng, thay vì mua vừa đủ dùng, nhiều người vì tâm lý lo sợ đã mua số lượng lớn để tích trữ theo phong trào “người ta mua mình không mua là không được”. Chính việc ồ ạt, tranh nhau mua đã dẫn đến việc các tiểu thương, quầy thuốc “đục nước béo cò” bằng cách găm hàng, làm giá. Trong khi việc phòng dịch, tránh lây nhiễm vi rút không chỉ đến từ những chiếc khẩu trang y tế, mà có thể bằng nhiều cách và dụng cụ khác…

3. Trái với những thông tin không tốt từ việc găm hàng, đội giá, thì mạng xã hội cũng lan truyền những câu chuyện và hình ảnh đẹp liên quan đến chiếc khẩu trang, nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh phòng dịch. Đó là những hoạt động phát khẩu trang miễn phí của các tổ chức cá nhân. Hay câu chuyện cậu bé 11 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh đã dùng hơn 10 triệu đồng tiền lì xì để dành mua khẩu trang tặng miễn phí cho người đi đường. Hay việc nhiều nhà thuốc cũng cam kết bán đúng giá cho người dân như ngày thường… Những câu chuyện sẻ chia như thế đã làm ấm lòng hơn giữa tình người với người, nó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và dường như “đánh gục” những hành vi xấu xí qua việc găm hàng, đội giá của các chủ tiệm thuốc.

                
   Quản lý thị trường vào cuộc xác minh nhà    thuốc đội giá khẩu trang.

Chống dịch, phòng ngừa lây lan của vi rút corona sẽ là câu chuyện dài trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết mỗi cá nhân và gia đình, ngoài nâng cao ý thức phòng dịch, thì đây cũng là dịp để giáo dục con em mình, thể hiện lối sống đẹp, tinh thần đoàn kết, sẻ chia yêu thương giữa người với người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Phúc Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luận bàn xung quanh chiếc khẩu trang!