Theo dõi trên

Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc

22/09/2021, 10:01

 BT- Không chỉ ứng phó tốt khi mổ thành công cho các sản phụ là F0, F1 trong thời gian Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận bị phong tỏa, Bệnh viện đa khoa khu vực (ĐKKV) phía Nam còn “chia lửa” với thị xã La Gi bằng cách tăng cường 30 nhân viên y tế.

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận lên đường hỗ trợ thị xã La Gi. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh.

 Giúp ca F0, F1 “vượt cạn”

Tối ngày 28/6/2021, Bệnh viện ĐKKV phía Nam đón nhận một ca bệnh đặc biệt giữa bối cảnh ở tỉnh đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Đó là sản phụ N.T.P.T là F1 (đang trong thời gian cách ly y tế tập trung) của bệnh nhân 15912 (là mẹ ruột sống chung nhà, chỉ mới phát hiện nhiễm Covid-19 cách đó vài ngày) từ huyện Hàm Thuận Bắc (trong chuỗi lây nhiễm từ Khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh) có dấu hiệu sinh. Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang bị phong tỏa, đồng thời Khoa phẫu thuật của các bệnh viện lân cận chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phẫu thuật các trường hợp nhiễm Covid-19 và những người bệnh thuộc đối tượng cách ly y tế. Nhận được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Ban Giám đốc bệnh viện đã hội chẩn nhanh và chỉ đạo các đơn vị liên quan để chuẩn bị ngay trong đêm về cơ sở, phương tiện cấp cứu, trang thiết bị, thuốc và phân công kíp phẫu thuật… Đến 1h20’ ngày 28/6, sản phụ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khô ối; vì thế, diễn tiến càng phức tạp hơn, áp lực tăng gấp đôi lên đội ngũ y, bác sĩ vì phải làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi. Ê kíp đã tiến hành khẩn trương thực hiện ca phẫu thuật do bác sĩ Hồ Ngọc Sơn - CKII Sản (PGĐ bệnh viện) là phẫu thuật viên chính. Sau gần 1 giờ tiến hành thì ca mổ bắt con thành công. Bé trai 38 tuần tuổi nặng 3 kg, khóc to, thở đều, được chào đời trong niềm vui chung của tất cả mọi người.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, quá trình hậu phẫu là một sự khó khăn cho cả mẹ, cả con và nhất là nhân viên y tế vì phải theo dõi, chăm sóc tách biệt giữa mẹ và con. Với những trường hợp sinh thường và người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh thì sau khi vừa chào đời, bé sẽ được “da kề da” với mẹ và mẹ sẽ chăm sóc con trong suốt quá trình sau sinh đến khi ra viện. Nhưng trong trường hợp này, bé ngay lập tức được tách ra khỏi mẹ và được chăm sóc riêng biệt, còn sản phụ được chuyển sang khu hậu phẫu cách ly riêng nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho con, đồng thời sản phụ được theo dõi sâu sát hơn.

Hiểu được tâm lý lo lắng không được ở cạnh con và sự chăm sóc của người thân sau khi sinh, cùng với cảm giác lo sợ nhiễm Covid-19; các bác sĩ, điều dưỡng đã luôn quan tâm, động viên kịp thời, qua đó giúp cho sản phụ an tâm, tự tin và phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Những ngày sau, đội ngũ y, bác sĩ đã vỡ òa niềm vui khi các lần xét nghiệm cho sản phụ đều âm tính. Và sau 1 tuần nằm viện, đến ngày 5/7, tình trạng sức khỏe của mẹ và con đều ổn định, bệnh nhân được xuất viện và về lại trung tâm y tế địa phương để được theo dõi, thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Một trường hợp khác, sản phụ P.T.P.Th (bệnh nhân Covid-19 số 51302) nằm trong chùm ca lây nhiễm cùng một gia đình gồm 6 người ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh đã nhập viện và điều trị cách ly tập trung tại bệnh viện với tuổi thai là 37 tuần. Sáng ngày 20/7, sản phụ được đưa vào khu phẫu thuật để mổ bắt con trong tình trạng đã vỡ ối. Các bước và quá trình thực hiện mổ bắt con được nhân viên y tế chuẩn bị khẩn trương, chu đáo và thực hiện cẩn thận và sau 45 phút, một bé trai được chào đời khỏe mạnh. Đó cũng chính là ca sản phụ F0 đầu tiên được thực hiện phẫu thuật mổ bắt con tại bệnh viện.

 Nỗ lực không ngừng

Thành tích trên, tập thể Khoa sản - Bệnh viện ĐKKV phía Nam đã được UBND huyện Đức Linh tặng giấy khen đột xuất. Bác sĩ Lê Văn Huỳnh - Giám đốc Bệnh viện ĐKKV phía Nam cho biết: “Với bệnh viện của một huyện miền núi xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn nhưng chúng tôi đã chuẩn bị phương án sẵn sàng cho việc tiếp nhận và điều trị trong trường hợp có sản phụ mắc Covid-19 từ đợt dịch đầu tiên. Khi tiếp nhận sản phụ T (là F1), bệnh viện đã sắp xếp ngay một ê-kíp riêng để sẵn sàng chăm sóc và điều trị bệnh nhân ngay từ đầu. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo trước, trong và sau khi phẫu thuật để đảm bảo an toàn. Điều đáng mừng là chúng tôi không chỉ mổ bắt con thành công cho 9 sản phụ F0, F1 mà cho đến thời điểm này, chưa để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh và tử vong do Covid-19 tại bệnh viện. Có thể nói đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện”.

Sau khi tính toán sắp xếp nhân sự bảo đảm được công tác khám, chữa bệnh cho khu vực phía Nam, đến nay bệnh viện đã cử 3 đoàn y, bác sĩ tăng cường cho La Gi, đặc biệt là đoàn Bệnh viện dã chiến cơ sở 1 gồm nhiều cơ sở thuốc, vật tư tiêu hao và phương tiện phòng hộ phục vụ công tác chuyên môn, ngay từ khi thị xã bị bùng phát dịch. Trong hơn 30 nhân viên y tế, có nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao như bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn công tác. Bên cạnh là những bác sĩ trẻ với bao câu chuyện cảm động về sự cống hiến. Như bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc có chồng đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, đã 4 tháng nay 2 vợ chồng chưa gặp nhau. Khi có thông báo tham gia tăng cường cho La Gi, cô chia sẻ: “Trách nhiệm của một người thầy thuốc, trách nhiệm với cộng đồng đã thôi thúc mình tạm gác hạnh phúc cá nhân sang một bên để thực hiện nhiệm vụ”. Hay câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Hữu Nam Giao, đây là bác sĩ trẻ tuổi nhất trong đợt công tác này. Do tình hình dịch bệnh, đã hơn 3 tháng nay, anh chưa về thăm gia đình ở Lâm Đồng. Khi nhận được thông báo, bác sĩ Giao không chút đắn đo, gấp rút chuẩn bị lên đường.

Đó chỉ là những câu chuyện  trong lực lượng y, bác sĩ tình nguyện đến tuyến đầu chống dịch với trái tim đầy nhiệt huyết. Họ đều tự hào khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc lúc dịch bệnh hoành hành.

Là đơn vị sự nghiệp y tế hạng II, với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh, hiện nay Bệnh viện ĐKKV phía Nam có 25 khoa, phòng trực thuộc với gần 400 nhân viên y tế. Vào thời điểm dịch bệnh, mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 400 - 500 lượt người đến khám, chữa bệnh và khoảng 350 người/ngày điều trị nội trú.

Thiện Thy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc