Theo dõi trên

Mô hình trồng nấm “4 trong 1”

10/06/2020, 14:26

BT - Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ), Phòng Kinh tế huyện Tuy Phong, mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ, trồng rau mầm từ giá thể trồng nấm trên diện tích nhỏ tại vườn nhà bà Nguyễn Thị Lộc, thị trấn Liên Hương, đem lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình thí điểm hiệu quả

Mảnh vườn nhỏ khô cằn sau nhà chỉ trồng được vài thứ cây ăn trái bình thường giữ đất, không đem lại lợi lộc gì nhiều; khi được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các kỹ sư trồng trọt ở Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về vốn, kỹ thuật canh tác, gia đình bà Nguyễn Thị Lộc đã cải tạo vườn tạp thực hiện mô hình thí điểm liên kết trồng nấm, loài dược liệu quý có giá trị cao trên thị trường. Trên diện tích nhỏ 40 m2 bà đầu tư trồng 2.000 bịch phôi nấm linh chi; đồng thời tận dụng nguồn mạt cưa thải sau trồng loại nấm này, bà tiếp tục trồng 160 bịch meo nấm rơm. Tiếp đó, nguồn nguyên liệu sau trồng nấm, lên men vi sinh sản xuất thành phân hữu cơ để trồng rau mầm sạch. Đúc kết mô hình sau 5 tháng từ mảnh vườn không mấy giá trị trước đây, bà Lộc thu được 35 kg nấm linh chi khô, thu 30 kg nấm rơm tươi, 1 tấn phân hữu cơ và giá rau mầm sạch. Trừ chi phí đầu tư, khấu hao tài sản lán trại khoảng 13 triệu đồng/vụ, lợi nhuận thu được 18 triệu đồng/vụ. Gia đình bà Lộc dự kiến đầu tư trồng vụ thứ 2, hướng tới mở rộng diện tích trồng tăng thêm lợi nhuận. Bởi trồng nấm theo mô hình trên khá nhẹ nhàng như tranh thủ làm thêm ngoài công việc chính là đồng áng…

                
Nấm linh chi sau 20 ngày    chăm sóc.

Cần đầu tư nhân rộng

Anh Lê Việt Kỳ, kỹ sư Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trực tiếp theo dõi mô hình cho hay, không chỉ riêng Tuy Phong mà khí hậu Bình Thuận đều thích hợp trồng nấm linh chi quanh năm (trừ nấm xứ lạnh), cho tai nấm to, ít sâu bệnh. Trong khi đó, kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc; có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động phụ trong gia đình trồng nấm nâng cao thu nhập. Mô hình này đã đưa loại nấm mới đến với địa phương, được nhiều người quan tâm, có thể đa đạng hóa ngành nghề nông thôn trên địa bàn, mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp… Bên cạnh, việc tận dụng mạt cưa sau khi trồng nấm linh chi để trồng nấm rơm, mạt cưa lúc này đã được phân hủy rất nhiều, nguồn nguyên liệu hoàn toàn có thể sử dụng làm phân hữu cơ, trồng rau mầm. Sắp tới, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ tổng kết mô hình “4 trong 1” này để nhân rộng cho những hộ gia đình trong tỉnh có nhu cầu ứng dụng, trung tâm sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng. Mô hình trồng nấm trên, mỗi năm có thể sản xuất 2 vụ, ước lợi nhuận thu được hơn 30 triệu đồng/40m2/2.000 bịch phôi. Quy mô trồng từ 5.000 bịch phôi nấm linh chi trở lên, lợi nhuận thu về 50 - 60 triệu đồng/năm.

                
   Nấm linh chi thời kỳ thu    hoạch.

Việc nhân rộng các mô hình trồng nấm, trong đó có nấm linh chi là hướng giải quyết việc làm hữu hiệu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ kiến nghị, các huyện, thị, thành phố cần có giải pháp hỗ trợ vốn vay ban đầu cho người dân xây dựng lán trại, hệ thống trang thiết bị trồng nấm linh chi. Trong khi đó, với hiệu quả rõ rệt của cây nấm đem lại, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu”. Mục tiêu năm 2020 cả nước sản xuất được 150.000 tấn nấm các loại, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nấm trong nước, xuất khẩu đạt tối thiểu 100 - 120 triệu USD/năm. Trong đó, nấm linh chi được xác định là 1 trong 6 loại nấm chủ lực. Muốn cây nấm thực sự trở thành sản phẩm chủ lực trong tương lai, tiến tới xuất khẩu, ngoài việc xây dựng được bộ giống tốt, công tác đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ thuật cho người nông dân đóng vai trò quyết định.      

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trồng nấm “4 trong 1”