Theo dõi trên

Mùa cá trên sông La Ngà

26/08/2016, 09:29

BT- Đang là mùa mưa. Sông La Ngà chảy qua Tánh Linh, nước ngập tràn ven bờ... Sông La Ngà là phụ lưu cấp I của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh, chảy qua Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Nai với chiều dài trên 272 km và lưu vực 4.710 km². Trên đất Bình Thuận, sông La Ngà chảy qua 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh, dài 143 km, lưu vực 1.759 km² là nguồn cung cấp nước  sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Tánh Linh và Đức Linh, hai huyện trọng điểm lúa. Không những vậy, người dân Tánh Linh, Đức Linh còn được hưởng lợi khi lợi dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản. Ở thị trấn Võ Xu, hiện có khoảng 25 hộ làm bè nuôi cá chình và cá bống trên sông La Ngà. Gia đình bà Huỳnh Thị Hưng, trú tại thôn 8, Võ Xu, là hộ nuôi cá chình lâu năm trên sông La Ngà. Vào khoảng năm 2001, gia đình bà nuôi thử nghiệm 1 lồng với 400 con cá giống. Cá lớn nhanh sau 1 năm nuôi, tạo thuận lợi cho bà nuôi thêm 2 lồng nữa. Mỗi năm những hộ nuôi cá bống, cá chình trên sông La Ngà thu lãi...

                
Nuôi cá bằng lồng bè trên sông La Ngà. Ảnh:    N.Lân

Tháng 8 mùa nước lên, ở Võ Xu, Sùng Nhơn, mấy năm trước người dân bắt được cá tràng bồ khủng nặng tới 70 kg. Cá tràng bồ thịt mềm, ngọt, nhiều dinh dưỡng, rất nhiều người ưa chuộng. Ở Sùng Nhơn có khu Bảy mẫu, năm nào lụt là cá tràng bồ từ hạ lưu sông Đồng Nai kéo về đây sinh sản. Mỗi lần cá tràng bồ về đẻ là đi cả đàn,  cả cá mái và cá trống.  Cá mái  rất to, có con cả tạ nhưng cá trống chỉ nặng từ 5 - 7 kg. Mỗi lần khu Việt kiều Campuchia ở Sùng Nhơn đánh bắt được là “alo” cho các nhà hàng ở thành phố, lập tức có xe cấp đông chạy ra mua  với giá cao, dân địa phương vì vậy ít có cơ hội được ăn loại cá tràng bồ  này.

Về Đức Linh, Tánh Linh mùa này, có dịp ăn cá lăng, cá trèng, cá ba sa, cá bống, cá chình… đánh bắt trên  sông La Ngà. Ngay ở cầu Tà Pao, quán Sông La Ngà vẫn thường có những món cá sông  đánh bắt  trên  sông. Là người mê cá lăng, cá bống, tôi thường lui tới quán Sông La Ngà. Lâu ngày dài tháng thành thâm giao vì vậy, hôm nào có cá lăng, anh Na và chị Chanh, vợ chồng chủ quán không quên “hú” gọi. Có khi tôi đến đột ngột, anh Na, mặc  dù bận việc thế nào cũng ra gỡ dớn (loại lưới cá quay tròn như rọ dài 1 - 2m đặt sát mé sông, các loại cá vào thì không ra được) để tìm cá lăng đãi khách. Cá lăng bọc 3 lá chuối, nướng trên than củi, chấm muối ớt thì thôi khỏi chê! Cũng có hôm không có cá lăng, được cá diếc cỡ bàn tay, chủ quán không quên nấu với khế chua thêm vài cọng hành ngò là có tô canh chua tê… đầu lưỡi.

Bạn thích đi câu? Mùa này về sông La Ngà, các điểm câu ven sông từ Tánh Linh lên Đức Linh có mà đầy! Hoặc bạn có thể mướn chiếc thuyền cùng với người chèo thuyền thả trôi dọc sông, thích điểm nào thì dừng lại câu, thư giãn với sông nước… Tuy nhiên, nếu muốn câu được cá lăng cỡ từ 3 - 7kg thì phải biết làm mồi. Một người ở Võ Xu chuyên câu cá lăng cung cấp cho các quán ăn lớn ở Đức Linh cho biết: Mồi câu cá lăng thường được làm từ ruột gà, vịt. Hai loại ruột này đem ủ 3 ngày, khi trương thối lên có mùi tanh nồng khó chịu, nhưng khi móc vào lưỡi câu, y như là cá lăng “tình nguyện” chết, bằng giá nào cũng đớp cho được mồi. Tuy nhiên, cái khó là bạn phải biết khúc sông nào có cá lăng, muốn vậy cần một ít kinh nghiệm về vùng nước, khúc sông nào cá tập trung… chứ lơ tơ mơ  có mà… ăn cám.

Mùa cá trên sông La Ngà khá phong phú, mỗi sáng nếu thích, bạn tấp vào các chợ quê cũng có các loại cá đồng được đánh bắt từ sông.  Cá sông La Ngà, cá đồng Đức Linh làm nhiều người thêm nhớ hai vùng quê này.

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa cá trên sông La Ngà