Theo dõi trên

Mùa chim yến làm tổ

24/08/2017, 08:24

BT- Đến thời điểm này có thể nói xã Vũ Hòa (Đức Linh) là địa phương có lượng hộ nuôi chim yến nhiều nhất tỉnh. Vì sao người dân Vũ Hòa đầu tư mạnh vào nuôi chim yến? Nuôi chim yến ở vùng núi này có gì khác so đồng bằng để tạo nên sức hút lạ đến như thế…

Tôi về Vũ Hòa vào thời điểm mưa tầm tã, mới 7 giờ sáng mà mưa như trút nước kèm gió lớn, đến nỗi chạy xe máy trên đường mà cứ lo gió thổi xuống mương. Vừa đến cầu Lăng Quăng - cây cầu ranh giới giữa 2 huyện Đức Linh - Tánh Linh,  nhìn về phía Biển Lạc nước mênh mông, qua cầu là nghe tiếng chim yến vang vọng cả góc trời. Do đã hẹn tới 3 lần với cán bộ xã Vũ Hòa nhưng mưa quá không lên được nên lần này lúc đang ở Tánh Linh dù mưa lớn tôi vẫn chạy qua. Rất may khi đến Vũ Hòa mưa giãn ra, trời bắt đầu tạnh. Lúc này từng đàn chim yến bay về tổ dày đặc cả khung trời.

Lạ. Vì sao ở Vũ Hòa chim yến lại về nhiều như thế. Tôi đem thắc mắc đến hỏi 3 người, trong đó cả Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Nguyễn Văn Húy, nhưng hầu hết chưa có ai lý giải thích đáng có tính khoa học mà chỉ nói rằng chắc nhờ hồ nước Biển Lạc quanh năm có nước nên chim yến về nhiều. Ở Đức Linh nghề nuôi chim yến chỉ xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây, mấy năm đầu trong huyện chỉ lác đác vài hộ nuôi, hiệu quả kinh tế cũng chỉ “tàm tạm”, nhưng gần đây lượng chim yến về nhiều nên dân mạnh tay đầu tư vào “con chim trời” này. Ở Đức Linh, nói đến chim yến là nói đến Vũ Hòa, bởi toàn huyện có 42 hộ nuôi yến thì Vũ Hòa có đến 28 hộ nuôi, và theo quan sát của chúng tôi thì ít nhất  có  thêm 5 hộ nữa  xây nhà dang dở cho dự án chim yến.

Anh Nguyễn Công Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa đưa tôi đến nhà cô Đỗ Thị Mùi ở thôn 1. Vừa vào nhà, tôi đã thấy cô Mùi và chồng cắm cúi nhặt lông tổ yến và sấy khô với số lượng khá lớn. Cô Mùi xây nhà 100 m2 nuôi yến và đưa vào sử dụng năm 2012. Năm 2013 bắt đầu thu tổ yến. Cô Mùi cho hay: Mỗi năm thu từ 7 - 8 kg yến, giá yến hiện thời 30 triệu đồng/ kg nên cho thu nhập khá. Theo cô Mùi, yến nhà cô làm được chế biến thủ công, không dùng hóa chất, không độn thêm tạp chất nên thị trường rất chuộng, có bao nhiêu yến sào đều được các nơi đặt mua.

Anh Hoan kể, nhà cô Mùi chưa phải là hộ nuôi thành công nhất mà ở xã có hộ ông O. Câu chuyện nuôi yến của ông O khá ly kỳ, bởi ban đầu ông không có chủ đích nuôi yến mà đàn yến đến nhà ông ở là do ông V. đuổi đi. Ông V với ông O nhà ở gần nhau, cách đây 5 năm đàn yến kéo vào nhà ông V ở, ông không biết là yến mà tưởng chim én  nên tìm mọi cách đuổi đi. Vậy là đàn yến di cư qua nhà ông O trú ngụ, thấy lạ ông O tìm hiểu thì biết được giá trị đàn yến nên quyết định xây nhà nuôi yến. Người dân Vũ Hòa bảo ông O có lộc, bởi trong xã nhà yến của ông không chỗ để chim yến về làm tổ, mỗi năm ông thu lãi mấy trăm triệu đồng từ yến…

Trước khi về Vũ Hòa, anh Nguyễn Văn Húy - Chủ tịch UBND huyện Đức Linh tâm sự với tôi, thấy dân nuôi yến thành công anh rất mừng. Đặc biệt anh kể dân Vũ Hòa khá nhạy trong việc “học lóm” công nghệ. Nếu trước đây muốn làm nhà yến phải gọi thợ từ Khánh Hòa hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu về làm với giá cao ngất ngưỡng, thì 3 năm trở lại đây tại Vũ Hòa có nhóm thợ chuyên xây nhà yến với giá thành phải chăng. Nhờ anh Hoan chỉ nhóm thợ chuyên xây nhà yến ở Vũ Hòa, anh cười bảo: Vũ Thành Luân, ở thôn 1, người đang nổi tiếng xây nhà yến ở Đức Linh. Luân còn khá trẻ, chỉ độ 30 tuổi nhưng nhìn khá chững chạc. Anh Luân kể: Anh làm thợ xây cách đây gần chục năm và chuyên đi làm thuê xây nhà yến ở các tỉnh nên học hỏi ít nhiều kinh nghiệm. Khi dân Vũ Hòa đầu tư nhiều vào nhà yến nên anh quyết định nhận thầu với giá phải chăng để phần nào giúp đỡ dân địa phương. Xây nhà yến rất nhiều loại và nguyên liệu, giá dao dộng từ 700.000 - 1.400.000 đồng/ m2. Tùy điều kiện gia đình người đầu tư, anh sẽ tư vấn kỹ và bảo hành khi xây xong sẽ có yến về. “Mình xây nhà xong, cam kết cho dân 1 năm sẽ có 300 chim yến về và 50 tổ yến, không đạt sẽ bị phạt. Đáng mừng, đến nay nhiều nhà mình làm chỉ khoảng 4 tháng là chim yến về cũng như số lượng tổ yến đạt chuẩn. Nhà anh Trần Đình Lập ở thôn 1 mình làm chỉ có 400 triệu đồng, chỉ sau 1 năm anh Lập đã có 900 chim yến về làm hơn 200 tổ…” - anh Luân kể… Tôi hỏi: Anh xây nhà nuôi yến cho nhiều nhà, vậy anh có làm cho mình? Có chứ anh, nhà em diện tích hẹp nên chỉ tận dụng được khoảng không phía trên, nâng lầu 50 m2 nuôi từ tháng 3/2017. Đưa chúng tôi về nhà tham quan mô hình nuôi yến. Lên cầu thang tối thui, Luân phải bật đèn pin tôi mới nhìn rõ. Những con yến bay loạn xạ khi thấy người lạ. Vài con khép mình trong tổ ấp trứng. Luân cho biết, mới 4 tháng đưa vào hoạt động nhưng nhà yến của anh  đã có 300 chim về ở và đã làm 70 tổ…

Thành công từ nuôi chim yến ở Vũ Hòa, chuyện hiếm nhưng vẫn chưa ai giải thích được vì sao chim yến lại về Vũ Hòa nhiều đến vậy! Tuy nhiên khi đặt vấn đề về quản lý dịch bệnh cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường thì Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa Nguyễn Công Hoan vẫn trăn trở: Tiếng ồn thì dân rất ý thức mở loa từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối. Còn chuyện vệ sinh môi trường, dịch bệnh thì xã rất cần sự trợ giúp của huyện và tỉnh. Bởi nuôi yến ở Vũ Hòa đang cho kinh tế rất cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ nhưng về lâu dài cần có định hướng phát triển bền vững…

Cuối ngày, chia tay Vũ Hòa tôi vẫn thấy hàng trăm con chim yến bay về tổ. Mùa chim yến làm tổ ở Vũ Hòa đang giúp người dân hái ra tiền từ con chim trời quý giá này…

 Phóng sự của Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa chim yến làm tổ