Theo dõi trên

Mùa măng rừng

09/10/2017, 08:52 - Lượt đọc: 1,842

BT- Măng rừng ở Bình Thuận rất nhiều lại ngon hơn các các tỉnh, thành khác bởi một phần do khí hậu, thời tiết. Mặt khác ở Bình Thuận còn có nhiều chủng loại măng phong phú như trúc, đá, le… nên rất được nhiều người ưa chuộng…

                
“Cô gái hái măng”. Ảnh minh họa

Nói đến măng rừng là nói đến các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh và Tánh Linh. Nhưng nếu nói măng rừng ngon nhất và phong phú chủng loại nhất là măng rừng ở vùng Núi Ông, Tánh Linh. Nếu mùa mưa khởi động từ tháng 4 thì phải mất hơn 2 tháng sau, tức khoảng tháng 6 đến tháng 7 mới có những “mụt” măng rừng đầu tiên. Còn từ giữa tháng 7 cho đến tháng 10 là vào “chính vụ” thu hoạch măng rừng. Người biết ăn măng rừng khoái nhất là ăn được những mụt măng đầu mùa. Bởi bao nhiêu sự dồn nén chất dinh dưỡng cả năm trời của tre, thời tiết được ấp ủ trong lòng đất, chỉ chờ vài cơn mưa đầu mùa thấm đất là những gốc tre “đẻ măng”. Nhiều người ví măng đầu mùa như đứa con đầu lòng trong gia đình khi nào cũng được ưu ái hơn. Với măng đầu mùa thường có mùi hăng, chắc thịt hơn măng chính vụ và hiếm nên khi nào giá cũng cao hơn. Dân sống gần rừng ở Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… năm nào cũng “canh” có măng đầu mùa là lên rừng lấy về vừa ăn vừa bán để kiếm thêm thu nhập. Nhưng măng đầu mùa ít khi về tới các chợ ở Phan Thiết vì mức tiêu thụ ở các chợ xã, huyện rất lớn.

Ở Tánh Linh, tôi có người quen là “trùm” lấy măng. Nhà anh có 4 người thì vào mùa mưa đã hết 3 người vào rừng lấy măng về bán. Măng tươi ở các xã miền núi rất rẻ, giá chỉ bằng 1/3 ở các chợ Phan Thiết. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề đi lấy măng không hề thấp. Sở dĩ phải gọi nghề đi lấy măng bởi không phải ai đi cũng lấy được măng, mà muốn lấy được nhiều phải am hiều về từng cánh rừng, vùng nào tre nhiều, tre loại gì cho măng ngon chứ không phải… “chuyện bở”.

Anh Báu, người đã có gần 30 năm sống bằng nghề lấy măng rừng, tâm sự: Hồi trước ở quê nghèo quá nên mới lên rừng kiếm cái ăn bằng cách “chắn” măng về phơi bán dịp Tết Nguyên đán. Riết rồi thành quen và trở thành nghề lúc nào không hay. Năm nào mình cũng tranh thủ lên rừng lấy măng, phần thì bán cho tư thương, phần để phơi khô. Nghề lấy măng rất cực và ngày càng có nhiều người cạnh tranh bởi giá thành măng ngày càng cao. Lấy măng phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng. Hôm nay lấy vùng này thì mai phải lấy vùng khác và hôm kia phải đến vùng khác nữa rồi mấy ngày sau mới quay lại vùng rừng ban đầu. Bởi vậy, người đi lấy vài kg măng về ăn thì không sao, bởi đơn giản chỉ lên rừng nhiều tre rồi chịu khó tìm và “xắn” mụt măng đủ ăn là được. Nhưng để lấy măng tươi từ 100 kg trở lên thì phải có “tay nghề”. Mỗi ngày nếu làm siêng, gia đình anh gồm 3 người cũng kiếm được từ 600.000 – 700.000 đồng . Ở Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc măng tươi giá chỉ 12.000 đồng/kg, nhưng chịu khó phơi khô thì 10 kg măng tươi được 1kg măng khô và giá măng khô từ 180.000 – 200.000 đồng/kg nên kiếm thêm thu nhập giải quyết lúc nông nhàn. Nếu gặp mối bán buôn lớn từ các tỉnh, thành về “gom hàng” thì phải 250.000 đồng/kg…

Măng rừng có rất nhiều loại, nào măng le, nứa, trúc, đá, lồ ồ… nhưng ngon nhất vẫn là măng đá và trúc. Măng đá chắc thịt, thơm (mùi hăng) đậm hơn các loại măng khác, trong lúc măng trúc thì nhỏ và ít thịt, nhưng độ thơm không thua kém măng đá. Trời mưa, có kg măng tươi luộc kỹ 3 nước rồi chấm mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt, xào với rau thơm nhưng ngon nhất là kho với cá nục Phan Thiết hay cá ngừ… với gia vị cay nồng của ớt, ăn với cơm nóng là món khoái khẩu của rất nhiều người. Hơn thế, khi các loại rau trồng bị lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì măng rừng được nhiều người xếp vào loại… rau sạch. Mỗi độ tết về, hầu như nhà nào cũng có món măng khô hầm thịt, có nhà nấu vịt, có nhà nấu thịt heo, có nơi lại nấu theo kiểu Tàu… Và món măng khô hầm thịt gần đây trở thành món nổi tiếng của Bình Thuận…

Ghi chép: Trần Thi



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa măng rừng