Theo dõi trên

Mùa măng rừng

16/10/2020, 10:42

BT- Vất vả, nguy hiểm, nhưng công việc đi rừng lấy măng là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình vùng cao...

Từ đầu tháng 5 cho đến hết tháng 10, khi những cơn mưa kéo dài đem đến màu xanh mơn mởn cho những cánh rừng bạt ngàn, thì cũng là thời điểm những bụt măng tre, le rừng “lách” đất vươn lên như món quà “trời phú”, tạo thêm thu nhập cho người đồng bào. Để có được món quà này, họ phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí cả mạng sống mới có. Bởi người đi lấy măng chỉ với chiếc gùi trên lưng và những dụng cụ để xắn măng. Thị Mực, người đồng bào Raglai ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, chia sẻ: “Vào rừng dầm mưa cả ngày lấy măng khổ lắm, mưa gió mịt mù, cây cối nghiêng ngả, nước suối chảy xiết... sợ nhất là cây đổ vào người”.

Sơ chế măng rừng

Ngoài những nỗi lo trên, họ còn phải mang vác nặng, leo đèo, lội suối. Mỗi người phải vác ít nhất vài chục kg măng rừng, phụ nữ khoảng 30kg, với nam giới là 50kg. Thị Mực cho biết: “Mỗi lần đi rừng lấy măng phải có ít nhất 30kg thì mới lấy công làm lời, nếu vài kg thì coi như lỗ vốn, nên đã đi rừng là phải đầy gùi mới về. Khi đem măng từ rừng về nhà còn phải luộc, gọt vỏ bỏ vào bao nilon”, vừa nói Mực chìa bàn tay  bảo có khi “bay” cả móng tay. Vất vả là vậy, nhưng giá măng lại thấp, tháng qua chị Mực chỉ bán được 6.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người thu mua măng không nhiều như trước khi có dịch bệnh, họ thu mua cầm chừng. “Vào mùa mưa măng nhiều, những ngày qua họ ngưng mua, hôm nay thu mua lại”, Mực nói.

Không chỉ chị Mực hay nhiều chị em khác ở Đức Bình mà còn nhiều chị em ở vùng cao La Dạ, Đa Mi, Đông Giang, Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc), cũng đang nhọc nhằn mưu sinh từ nghề lấy măng rừng. Thương họ nhất là lúc mang bầu gần đến ngày sinh nở, nhưng vẫn phải vào rừng xắn măng. “Gùi măng, leo qua khe suối, bụng nó cứng ngắt...”, Mực cười nói.

Tuy vậy, cuộc sống của họ hiện so trước kia cũng đỡ vất vả hơn, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 93, 09; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển theo Quyết định 41; chính sách phát triển cây cao su vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 1592... cơ bản đã giải quyết vấn đề lương thực và chấm dứt tình trạng đói, nghèo triền miên trong đồng bào DTTS.

Sau những lam lũ lo kinh tế gia đình, được hưởng nhiều tiện ích từ điện, đường, trường, trạm. Con em được đến đường học hành đàng hoàng, bệnh thì ra trạm y tế điều trị, đường sá đi lại thuận tiện... Chị em chỉ tập trung lo kinh tế gia đình để nâng cao cuộc sống.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa măng rừng