Theo dõi trên

Mùa… bão

29/11/2018, 08:42

BT- Tâm bão số 9 đã không đến Bình Thuận nhưng sức ảnh hưởng của nó mới thật nặng nề… Sau hoàn lưu bão là ngập lụt, sạt lở xảy ra diện rộng ở hầu khắp các địa phương, khiến nhà cửa, tài sản, hoa màu của bà con bị cuốn theo dòng nước. Nỗi lo sợ thấp thỏm xuyên đêm lại tiếp tục hiện hữu trên từng khuôn mặt… 

                
   Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác    Trung ương kiểm tra việc đối phó lũ tại Phan Thiết.

Tâm thế… đón bão

Những ngày cuối tháng 11 dương lịch - khi mùa bão bắt đầu vào cao điểm. Đây cũng là thời gian những bản tin bão, áp thấp nhiệt đới liên tục được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông ở cả các loa di động khắp xóm làng, do phường, xã đi tuyên truyền. Từ đầu năm đến nay số cơn bão đã lên đến con số 9. Tôi không nhớ cách đây đã mấy năm, Bình Thuận không đón bão, nhưng lần này dự báo bão lại đổ bộ trực tiếp vào mảnh đất này, điểm đầu tiên là huyện đảo Phú Quý. Khỏi phải nói, mọi công tác đôn đốc, kiểm tra, chuẩn bị đều được các địa phương và nhân dân tốc lực triển khai trước khi bão vào. Liên tục các cuộc họp khẩn, các công điện khẩn từ Trung ương đến địa phương đều được gấp rút triển khai, chỉ đạo rốt ráo.

Trước ngày bão đổ bộ vào đất liền, đích thân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT - Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về Bình Thuận để kiểm tra, đôn đốc công tác đối phó bão, nhất các vùng xung yếu, thường sạt lở bờ biển như Tiến Thành, La Gi, Liên Hương, Hàm Tiến…Dự báo cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền vào đúng những ngày nghỉ cuối tuần, khiến công tác đối phó có phần ảnh hưởng. Thay vì những giờ phút nghỉ ngơi bên gia đình như thường lệ, bão khiến mọi người đều hối hả. Các cơ quan, đơn vị túc trực cả ngày đêm để sẵn sàng đợi lệnh. Còn đối với người dân vùng biển lở - 2 ngày trước bão là khoảng thời gian chạy đua với với việc gia cố nhà cửa, kê cao giường tủ, sơ tán người và tài sản… 

Sóng bạc

 Sáng chủ nhật 25/11, khi cơn bão được dự báo đi chệch hướng, không “ghé” đảo Phú Quý mà đổ bộ sang các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, các huyện phía Nam Bình Thuận nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Sáng sớm, bầu trời bỗng trở nên đen kịt, gió, lạnh… là những hiệu báo của thời tiết xấu. Chúng tôi được phân công đi theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT trực tiếp đến vùng biển La Gi. Trong thời gian khoảng 1 tiếng ngồi trên xe, những thông tin trao đổi của lãnh đạo tỉnh và các địa phương vẫn được kết nối, chỉ đạo trực tiếp liên tục qua điện thoại. Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của Chủ tịch tỉnh, khi nghe tin đâu đó ở các xã vùng biển đã bắt đầu có thiệt hại về thuyền bè, nhà cửa do sóng lớn. Ngồi trên xe, phóng viên cũng tranh thủ từng phút ghi nhanh những tin tức mới nhất, kịp thời chuyển đến bạn đọc.

Chúng tôi có mặt tại xóm biển khu phố 6 - 7, phường Phước Lộc (thị xã La Gi) vào gần trưa. Sóng biển ngày thường nơi đây êm ả, nhưng hôm nay lại trở nên trắng xóa, ngọn cao, tạt vào bờ liên tục những con sóng kèm theo cát mặn rát rạt. Gió đã mạnh cấp 7 - cấp 8. Dọc bờ biển, dãy nhà tạm lụp xụp của các hộ dân tưởng như xiêu vẹo trước gió lớn. Ông Lê Minh Tâm (khu phố 6, phường Phước Lộc) là một trong số những hộ dân sống ở đây cho hay: “Từ đêm qua đến nay gió và sóng biển mạnh quá, nên chúng tôi đã chèn chống nhà cửa. Nhưng nếu bão vào thật thì có lẽ cũng không chống nổi, phải di dời”. “Trước khi bão vào, chúng tôi đã vận động được hơn 100 hộ/khoảng 400 khẩu đến trú an toàn tại Trường trung học Phước Lộc. Chính quyền địa phương đã có chuẩn bị thức ăn, nước uống cho bà con” - ông Lê Văn Công - Khu phố trưởng Khu Phố 7 nói xen vào.

Giữa trưa - tin tức về Bình Thuận đã nằm khỏi vùng đổ bộ của cơn bão số 9 khiến tất cả mọi người như trút đi nỗi lo sợ. Quay lại thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành), chúng tôi ghi nhận đã có một số hộ dân đã quay trở về nhà. Gần chục đứa trẻ tụm năm, tụm ba đứng bên bờ biển ngó nghiêng, đùa nghịch. Mặc cho mưa còn nặng hạt, gió vẫn rít từng cơn và bầu trời xám xịt - những con người nơi xóm biển lở ấy có vẻ như đã quá quen trước sự hoành hành của thiên nhiên. Bởi với họ, cảnh mất nhà, sạt lở biển đã kéo dài nhiều năm nay...Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Hai khi thấy cảnh này, đã phải nhắc nhở chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không được chủ quan, bị động...

Cùng với xã Tiến Thành, khu vực ven biển Hàm Tiến là vùng xung yếu thường xuyên bị sóng biển, triều cường đe dọa. Những hàng dừa ngả nghiêng, bật gốc, những chiếc thuyền máy bị sóng đánh bể nát, và sạt lở nghiêm trọng tại một số khu du lịch trên địa bàn là những gì chúng tôi chứng kiến. Trong hoàn cảnh đó, là sự xuất hiện của màu xanh áo lính đang giúp dân khắc phục hậu quả, kéo thuyền lên bờ. Trung úy Đinh Văn Tuấn - Đồn Biên phòng Mũi Né cho biết: Anh cùng đồng đội được nhận lệnh đến đây giúp dân khắc phục thiệt hại và chia sẻ với bà con những khó khăn do sạt lở biển. Mồ hôi nhễ nhại, Trung úy Tuấn vẫn nở nụ cười tươi, hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình... 

Lũ dữ

Ngay sau hoàn lưu của bão là mưa lũ. Ngay trong đêm 25/11, mưa lớn kéo dài, nước về hồ nhanh khiến nhiều hồ chứa trong tỉnh buộc phải xả lũ để bảo vệ an toàn đập. Mặc dù chỉ cách đó vài ngày, một số hồ chứa phía Bắc tỉnh mới chỉ tích được một nửa dung tích. Vậy là, chỉ trong một ngày đêm, nước đã trắng xóa nhiều vùng miền, sông ngòi, khu dân cư, thậm chí cả quốc lộ 1A. Những hình ảnh nhà cửa, trâu bò bị trôi, bạt ngàn thanh long chín đỏ ngập chìm trong dòng lũ, hay hàng trăm ngôi nhà, ghe thuyền bị trôi, hư hỏng khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.

Tin mới nhất từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN tỉnh, tổng diện tích lúa, hoa màu bị ngập toàn tỉnh đến thời điểm này là trên 5.000 ha; có đến 13 ha tôm nuôi thiệt hại do nước tràn vào ở Hòa Minh - Tuy Phong... và chìm nhiều tàu thuyền khác. Ước giá trị thiệt hại ban đầu đã hơn 7 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang huy động tối đa nguồn lực để sẵn sàng di dời, sơ tán dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn và đưa người dân trở lại nhà khi nước đã rút. Việc cần làm sau khi nước xuống là khắc phục thiệt hại, vệ sinh nhà cửa, phòng ngừa dịch bệnh và khôi phục sản xuất nông nghiệp... Công việc còn bộn bề - nỗi lo còn chất chứa. Mùa bão - mới chỉ bắt đầu...

Ghi chép:KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa… bão