Theo dõi trên

Nâng cấp để duy trì hoạt động nhà máy xử lý nước thải

30/05/2017, 09:10

BT - Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác, công trình nhà máy xử lý nước thải Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài (Phan Thiết) đã mang lại hiệu quả nhất định. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn. Song, nhiều hạng mục của nhà máy đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

         
   

         

            Kiểm tra bể sục khí nước thải.  

Hiệu quả công trình

Hơn 10 năm qua, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài được hình thành, hơn 68 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, cá khô, bột cá lấp đầy diện tích và đi vào hoạt động, nhưng hạ tầng cụm công nghiệp vẫn đầu tư chưa đồng bộ. Nhất là chưa có cơ sở xử lý nước thải tập trung nên tình trạng chất thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến xả ra mương rồi tự chảy ra sông đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân các khu dân cư Ung Chiếm (Hàm Thuận Bắc), Phú Hài (Phan Thiết)…

Trước thực trạng đó, tỉnh đã đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách hơn 21,278 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp sử dụng công nghệ hóa - lý - sinh kết hợp, công suất thiết kế 500m3/ngày đêm. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 2/2015. Đây là công trình bức xúc về giải quyết ô nhiễm môi trường nên UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu cấp vốn. Vì vậy, từ năm 2015 đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đã được khắc phục cơ bản; nước từ các cơ sở chế biến được xử lý bước đầu, sau đó chuyển về nhà máy trung tâm xử lý và xả ra môi trường là nước trong có thể dùng tưới cây trong cụm công nghiệp.

Được biết, năm 2015 lượng nước sạch sử dụng của toàn cụm công nghiệp là 85.000m3, sau khi sử dụng các cơ sở sản suất, chế biến hải sản đã thải ra lượng nước phải xử lý 50.757m3, bằng 59,6% lượng nước sử dụng; lượng nước đầu ra của nhà máy thời điểm lớn nhất từ 200 - 250m3/ngày đêm; thấp nhất khoảng 15 - 50m3/ngày đêm. Khi các cơ sở sản xuất hoạt động nhiều lượng nước thải xả ra lớn nhà máy hoạt động liên tục, môi trường giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, khi lượng nước thải ít nhà máy không thể vận hành bình thường và có nguy cơ thiếu dưỡng chất để duy trì sự sống của hệ vi sinh vật tại bể chứa. Hiện tại nước thải cụm công nghiệp đã được xử lý tại nhà máy trung tâm, nhưng khí thải của các cơ sở sản xuất, chế biến, nhất là sản xuất bột cá vẫn còn là điều nan giải đối với môi trường xung quanh.

Cần nâng cấp, bảo dưỡng nhà máy

Do đặc trưng của ngành nghề chế biến hải sản (nước mắm, hấp cá cơm, chế biến cá khô, sản xuất bột cá làm thức ăn gia súc) nên thành phần nước thải có hàm lượng muối rất cao và thành phần chất thải phức tạp. Do vậy, công nghệ xử lý phải qua nhiều công đoạn, sử dụng nhiều năng lượng và hóa chất nên chi phí xử lý tăng cao (1m3 nước thải chi phí gần 46.000 đồng). Nhà máy mới đưa vào hoạt động 2 năm nhưng nhiều bộ phận như lan can, hộp chứa cáp điện; thiết bị màn hình HIM, bu lon máy…bị hư hỏng do ảnh hưởng của muối, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài ra, còn có một số thiết bị khác như đầu dò PH, phao siêu âm, van, bơm, máy tách rác tinh, gạt váng nổi… đều hư hỏng, cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, cụm công nghiệp chưa triển khai thu phí xử lý nước thải mà chỉ sử dụng nguồn ngân sách của thành phố Phan Thiết (500 triệu đồng/năm) để hoạt động nên việc đầu tư sửa chữa khó khăn và không kịp thời…

Để duy trì hoạt độngnhà máy xử lý nước thải Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, thiết nghĩ Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp Phan Thiết cần chỉ đạo các cơ sở sản xuất phải xử lý nước thải sơ bộ trước khi chuyển đến nhà máy trung tâm để xử lý tiếp nhằm hạn chế mùi hôi, chất độc hại từ chất thải. Mặt khác, cần xây dựng giá phí xử lý nước thải để giảm bớt vốn đầu tư từ ngân sách hàng năm cho hoạt động, sửa chữa, vận hành, mua vật tư thiết bị, hóa chất; tăng cường kiểm tra, giám sát và cam kết với từng cơ sở sản xuất, bảo vệ tốt môi trường khu vực trong và ngoài cụm công nghiệp.  

N.BẢO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cấp để duy trì hoạt động nhà máy xử lý nước thải