Theo dõi trên

Ngăn chặn phá rừng Tà Kóu: Cần phân định ranh giới đất của các hộ dân

25/02/2019, 08:57

BT- Hầu hết các vụ phá rừng xảy ra tại Khu BTTN Tà Kóu  đều nằm ở khu vực có đất sản xuất của người dân. Sự nhập nhằng ranh giới giữa đất của người dân và đất của khu bảo tồn khiến việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy việc cày ranh phân định ranh giới đất của người dân được xem là một giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng phá rừng ở Khu BTTN Tà Kóu…

                
Kiểm tra việc phá rừng ờ Tà Kóu.

 Ngược về quá khứ

Khu BTTN Tà Kóu  được thành lập từ năm 1996, có tổng diện tích 10.550 ha, trong đó hơn 8.000 ha là rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất. Khi  thành lập đã có đất của các hộ dân sản xuất trước đó nằm trong phân khu phục hồi sinh thái. Tuy nhiên, việc tiến hành di dời, đền bù đất cho các hộ dân chưa được thực hiện. Theo thống kê của Tổ công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất mà các hộ dân đang canh tác trong lâm phậm của Ban quản lý Khu BTTN Tà Kóu, thì hiện có 762,54 ha diện tích đất nông nghiệp dân đang sản xuất trong khu bảo tồn. Trong đó, có 459 ha diện tích rừng đặc dụng và 303,539 ha rừng sản xuất. Hiện nay, có 538,244 ha đã xác định được đối tượng sử dụng, còn 94,958 ha chưa xác định đối tượng.

         
      Trong    năm 2018, Ban quản lý Khu BTTN Tà Kóu đã phát hiện 35 vụ lập, hồ sơ    chuyển địa phương đề nghị xác minh chủ thể, xử lý vi phạm hành chính    (13 vụ phá rừng diện tích 1,5093 ha; 11 vụ khai thác gỗ trái phép    thiệt hại trữ lượng gỗ 10,706 m3; 11 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp    diện tích 2,5626 ha), tăng 25 vụ so năm 2017.

Những năm gần đây, giá thanh long cao nhiều người dân đã tiến hành cơi nới, mở rộng lấn chiếm đất khu bảo tồn để trồng thanh long. Trong năm 2018, tại Khu BTTN Tà Kóu đã xảy ra 13 vụ phá rừng với diện tích 1,5093 ha. Trong ngày 12 và 15/9/2018, lực lượng bảo vệ rừng tại Khu BTTN Tà Kóu đã phát hiện 2 vụ phá rừng liên tiếp ở khu vực 302A. Hành vi phá rừng của các đối tượng lần này tinh vi hơn, đó là dùng cưa máy lợi dụng lúc trời mưa, ban đêm vào cắt hạ cây hoặc dùng dao, rựa tác động vào thân cây bằng vết chặt nhỏ. Sau đó, dùng hóa chất lạ bỏ vào vết chặt làm cho cây rụng lá, “chết đứng”. Kết quả giám định của Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam - Cục Bảo vệ thực vật kết luận là “các mẫu cây đều phát hiện có tồn dư hoạt chất Glyphosate, là hoạt chất sử dụng trong thuốc trừ cỏ phổ rộng không chọn lọc và nội hấp, hiệu lực trừ cỏ cao”. 

Phải “khoanh vùng” đất sản xuất của dân

Một thực tế đáng báo động là hiện nay, các đối tượng phá rừng sử dụng phương thức ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng này chỉ phá một diện tích rừng nhỏ nhưng phá ở nhiều vị trí. Các vị trí rừng bị phá cách nhau không xa. Khoảng 2 năm trở lại đây, các đối tượng này thường phá rừng bằng cách đục lỗ vào cây rồi bỏ thuốc diệt cỏ vào để cây chết từ từ. Việc này khiến lực lượng chức năng khó phát hiện các điểm rừng bị phá. Bên cạnh đó, việc tinh giảm biên chế khiến Ban quản lý Khu BTTN Tà Kóu  thiếu nhân viên trầm trọng. Tổng số nhân viên của Ban hiện chỉ còn 19 người nhưng phải quản lý đến 10.550 ha. Tính ra, một cán bộ Khu BTTN Tà Kóu  phải quản lý đến gần 600 ha rừng. Lực lượng ít, khiến việc tuần tra, kiểm rừng gặp nhiều khó khăn.

Trước khó khăn trong việc quản lý đất sản xuất của người dân nằm trong khu Bảo tồn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của những hộ dân hiện có đất sản xuất trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, biện pháp này không khả thi vì tốn nhiều kinh phí và quỹ đất để bố trí tái sản xuất cho người dân sau thu hồi không có. “Những hộ dân có đất sản xuất trong Khu BTTN Tà Kóu  hầu hết khai hoang từ trước khi hình thành khu bảo tồn. Khi chưa thể thu hồi đất thì phải để người dân sản xuất. Nhưng với lực lượng mỏng như hiện nay thì rất khó để ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để mở rộng sản xuất. Vì vậy, cần phải có giải pháp đột phá, cày ranh để phân định đất sản xuất hiện tại của người dân với đất khu bảo tồn. Chỉ khi cố định được ranh giới đất của hộ dân thì mới có cơ sở để xác định hộ dân đó có lấn chiếm đất rừng hay không. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiến hành xử lý những hộ dân vi phạm”, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam Nguyễn Minh cho biết.

N.Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn phá rừng Tà Kóu: Cần phân định ranh giới đất của các hộ dân