Ngang qua mùa kiệu tết
Ngang qua mùa kiệu tết
BT - Những ngày đầu
tháng chạp, nắng hanh hao, phả hơi nóng theo từng thửa ruộng kiệu, những khuôn
mặt nông dân cặm cụi như bao đời vẫn thế. Ngang qua mùa kiệu tết ở Sơn Mỹ, huyện
Hàm Tân là niềm vui của người nông dân sau bao ngày chăm sóc, nay tới mùa thu
hoạch kiệu “được mùa - được giá”.
 |
Niềm
vui cảu người nông dân khi kiệu tết trúng mùa - được giá. |
Hơn 9h sáng mà nắng như cháy da cháy thịt, trên từng thửa ruộng kiệu thuộc xã
Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, nhìn đâu cũng thấy cảnh người nông dân đang hối hả nhổ
kiệu. Một mùa thu hoạch kiệu tết lại về. “1kg kiệu này bán được 50.000 đồng,
nhưng với điều kiện là củ to, không bị hư hỏng. Với giá bán này, trong vụ kiệu
tết năm nay gọi là thắng lợi rồi” – anh Nguyễn Hữu Chính (thôn 3, xã Sơn Mỹ) nói
với giọng vui vẻ. Anh Chính cho biết: Cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm gia đình
anh lại tất bật làm đất, xuống giống kiệu cung ứng cho thị trường tết. Năm nay,
anh xuống giống 1,5 ha nhưng đầu vụ cây kiệu phát sinh nhiều dịch hại như sâu,
thối nhũn, thán thư, sương mai. “Tưởng vụ kiệu này “tiêu” rồi chứ, nhưng nhờ tôi
làm kiệu lâu năm, có kinh nghiệm chăm sóc nên đã xử lý kịp thời, do đó cây kiệu
đã phục và phát triển tốt. Vụ năm nay, năng suất đạt bình quân 7 tấn/ha, giá
thương lái thu mua dao động trong vùng từ 48.000 - 52.000 đồng/kg”, anh Chính
chia sẻ thêm.
Tôi qua thửa ruộng bên cạnh của người đàn ông tên Đệ đang thu hoạch kiệu, cũng
đang chung niềm vui vì kiệu tết được mùa, được giá. “Năm ngoái giá kiệu thấp,
năng suất cũng không cao coi như tôi bị thất thu. Vì thế tết năm ngoái cũng
chẳng vui vẻ gì. Năm nay, do diện tích canh tác giảm, củ kiệu lại có chất lượng
hơn, củ đều, ít tẻ nhánh nên được thương lái thu mua giá cao, người trồng có lãi
khá”, ông Đệ vui vẻ cho biết.
Ngang qua từng cánh đồng kiệu, lòng tôi mừng cho một vụ mùa thành công của người
nông dân. Từ trên đồi cát cao nhìn xuống một cánh đồng kiệu trải dài, màu xanh
của lá đã chuyển ngả vàng, dáng người lom khom nhổ kiệu nhỏ xíu. Trò chuyện với
ông Trương Anh Chín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mỹ được biết: Sơn Mỹ là một
trong những địa phương ở huyện Hàm Tân có điều kiện thời tiết, đất đai phù hợp
cho cây kiệu phát triển. Nhiều năm nay, bà con ở đây có thu nhập ổn định, khá
giả hơn từ nghề trồng kiệu tết. Thế nhưng năm nay một phần do thời tiết bất lợi,
một phần do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, lo ngại sức tiêu thụ giảm nên nhiều
hộ dân đã chủ động giảm diện tích canh tác. Hiện toàn xã có trên 60 ha kiệu,
giảm 50% diện tích so với năm ngoái. Đến nay, bà con đang thu hoạch được trên
30% diện tích. “Kiệu ở đây có chất lượng tốt hơn nên các thương lái đổ về đây
thu mua và đưa đi chợ đầu mối các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, một phần được bán tại
thị trường địa phương. Tết năm nay bà con nơi đây sẽ đón cái Tết Nguyên đán sung
túc, đầm ấm”, ông Chín chia sẻ thêm.
Mỗi lần biết tin tôi về Tân Thắng vào thời điểm này, anh em, bạn bè lại nhắn tin
mua giùm vài kg kiệu, tất nhiên tôi đồng ý. Bởi kiệu là món ăn ngày tết không
thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Ngang qua mùa kiệu tết lần này, tôi
treo trên xe từng bị kiệu mang về Phan Thiết mà lòng vui đến lạ. Vui vì sau bao
ngày chênh vênh giữa trời, chắt lọc từng thớ đất thịt, từng lớp cát trắng, qua
những đôi bàn tay cần mẫn, những giọt mồ hồi tận tụy đã tạo nên những củ kiệu
đặc trưng này. Và năm nay, “mùa ngọt” đã về với những người nông dân một nắng
hai sương!
NgỌc DiỆp