Theo dõi trên

Ngày Nước và Khí tượng thế giới (22 - 23/3): “Khủng hoảng” nước ngầm ở Hàm Thuận Nam

24/03/2020, 09:20 - Lượt đọc: 150

BT- Giải pháp nào để bảo vệ mạch nước ngầm trước diễn biến khốc liệt và phức tạp của biến đổi khí hậu, nhất là tại huyện Hàm Thuận Nam - “thủ phủ” thanh long của tỉnh hiện có một nửa diện tích sản xuất phụ thuộc vào mạch nước ngầm…

Cảnh báo “nóng”

Hàm Thuận Nam là huyện thường bị khô hạn của tỉnh. Nguồn nước mặt hàng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, Mương Mán và La Ngà. Nguồn nước này phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt không thể cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân. Vì vậy, vào mùa khô các xã Hàm Cần, Tân Thuận… người dân đi mua từng can nước uống, hàng trăm diện tích thanh long ở nhiều xã không có nước tưới, điển hình là năm 2019 toàn huyện có 500 ha thanh long bị thiệt hại nặng do nắng hạn.

Nước các hồ thủy lợi huyện Hàm Thuận Nam cạn nước. Ảnh Đình Hòa

Bước vào mùa khô năm nay, tình trạng hạn hán tiếp tục cảnh báo nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cho hay: Tính đến ngày 12/3, tổng lượng nước tích trữ tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện chỉ đạt 16,202/49,485 triệu m3 dung tích bình thường, đạt 32,7%. Hiện tại, 2 hồ là Ba Bàu và Tà Mon cũng đã cạn hết nước. Trong khi đó, hồ Đu Đủ và Tân Lập đang được tiếp nước từ hồ Sông Móng, tuy nhiên, mực nước hiện tại vẫn ở mức rất thấp. Qua tính toán, lượng nước tại các hồ chỉ đủ cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp đến ngày 31/5/2020; sau đó sẽ ngưng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chỉ cấp nước phục vụ sinh hoạt. Cùng với hạn hán thì tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra tại xã ven biển Tân Thuận ảnh hưởng đến sản xuất khiến nhiều người dân lo toan xây đập ngăn mặn.

Cần bảo vệ nước ngầm

Hiện toàn huyện có trên 12.800 ha thanh long tập trung nhiều nhất ở các xã Hàm Minh, Thuận Quý, Hàm Thạnh, Tân Thành, Tân Thuận… Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện cho thấy, đến nay chỉ có khoảng 6.500 ha được tưới nước từ công trình thủy lợi. Như vậy, còn lại một nửa diện tích sử dụng nước ngầm tưới từ các giếng khoan, giếng đào của người dân. Những năm qua, diện tích thanh long ở huyện không ngừng mở rộng tại các xã vùng cát như Thuận Quý, Hàm Minh, Hàm Kiệm, Hàm Thạnh, Hàm Cần… và nông dân tưới thanh long bằng nguồn nước giếng khoan là chính đã khiến cho nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước ngầm sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng gây nên tình trạng hạn hán, đất đai khô cằn đã đến lúc cần phải có sự tính toán để bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, để bù đắp lượng nước ngầm khai thác, địa phương có một số giải pháp như xây dựng một số đập dựa trên các hồ tự nhiên như đập Suối Nhum (xã Thuận Quý), đập Suối Mây (xã Tân Thành), bưng Bà Tùng (xã Thuận Minh). Cùng với đó, sử dụng một số biện pháp tưới luân phiên, tủ rơm rạ dưới gốc thanh long giữ nước hay lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Isreal với khoảng 30% diện tích thanh long đã được áp dụng. Tại các xã, thị trấn cũng thường xuyên nạo vét kênh mương, đào ao tích trữ nước.

Mùa khô năm nay đến sớm và dự báo khốc liệt hơn so với mọi năm, đáng chú ý tại một số tỉnh miền Tây cùng lúc đối mặt với hạn hán là mức độ sụt lún diễn ra nghiêm trọng mà nguyên nhân được các chuyên gia sinh thái cho rằng do khai thác quá mức mạch nước ngầm. Mạch nước ngầm được báo động đang tụt giảm nhanh, trong khi nguồn cung cấp nước cho nước ngầm là nước mặt thấm vào tầng chứa ngày càng hạn chế do biến đổi khí hậu, rừng đầu nguồn suy giảm, nước biển dâng, mặn xâm nhập. Vì vậy, tại huyện Hàm Thuận Nam hay nói rộng ra toàn tỉnh, việc tính toán sử dụng nước ngầm hợp lý, hạn chế khai thác quá mức nguồn nước dưới đất hiện đang là bài toán khó.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày Nước và Khí tượng thế giới (22 - 23/3): “Khủng hoảng” nước ngầm ở Hàm Thuận Nam