Theo dõi trên

Nghề mộc ở Tân An

23/11/2018, 11:46

BT- Nghề mộc xưa, một trong những nghề rất được trọng vọng. Xã làng nào cũng có một hai thợ mộc. Người làm nghề thợ mộc nếu đạt trình độ cao được phong danh “thợ cả”, người theo học nghề, phụ giúp gọi là “thợ phụ”. Nghề thợ mộc là nghề thủ công, người làm nghề này rất khéo tay, có đầu óc sáng tạo, tính toán khá chính xác. Dụng cụ của thợ mộc rất  nhiều loại, từ cây thước, cái bút chì, ống mực đến cưa, chàng, bào, đục... loại nào cũng có lớn, có nhỏ, được mài giũa bén ngót.

Ở nông thôn, ngày xưa thường dựng nhà bằng gỗ. Để có điều kiện làm được ngôi nhà, người nông dân phải chuẩn bị rất lâu, ngoài cột kèo gỗ lạt, tranh (ngói)... Còn phải lo cái ăn, tiền công cho thợ. Rồi đến nhà thợ cả cậy nhờ trước chừng nửa tháng. Thợ hồi ấy hiếm nên rất được trọng vọng, vả lại việc nhà cửa là việc hệ trọng đời người, nếu lo không chu tất, thợ giận sẽ làm dối, làm ẩu….

Khi nhận làm nhà, thợ cả điều thêm vài thợ phụ. Người thợ cả tất nhiên là ít động tay vào việc: cưa, bào, đục, xẻ… phần việc này do đám thợ  phụ đảm nhận. Công việc chính của thợ cả là tính toán rộng, hẹp, cột kèo, xiên trính... thợ phụ chỉ việc theo đó mà làm. Cái hay của người thợ cả là họ tính toán rất chính xác, nên dân gian có câu “nẻ mực tàu, đau lòng gỗ” là vậy.

 Đối với gia chủ, thời gian làm nhà là thời gian người vợ bận rộn chợ búa nấu nướng suốt ngày. Sáng lo thợ ăn nửa buổi, trưa ăn cơm, chiều  trà thuốc phải luôn đầy đủ. Nhà nào mà lo cho thợ không đàng hoàng thì họ cứ đủng đa đủng đỉnh, “mặt trời lên đỏ, xách giỏ đi làm”, khi vào làm thì “sớm giũa cưa, trưa mài đục”, chiều mới “mặt trời vàng vàng” đã “đục chàng vào giỏ”. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nghề thợ mộc là nghề luôn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, cộng với khéo tay, sáng ý. Người nóng nảy vào nghề này dễ hư sự, nhất là nghề thợ mộc chuyên đóng đồ  gia dụng như: bàn, tủ thờ, tràng kỹ, giường, cửa... Công việc nó ảnh hưởng đến tính cách là vậy. Nhìn người thợ mộc ngồi tỉ mẩn đục chạm từng cái vảy rồng, đuôi phụng... mới thấy hết cái tinh hoa khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Vì là làm thủ công nên thùng đồ nghề của họ không được thiếu một món nào, rớ tới đâu, cần loại gì là phải có ngay loại ấy. Những thứ vật dụng ấy có thể liệt kê như sau: Cưa có cưa mộng, cưa cắt, cưa đại; đục có đục bạc, đục tuông, đục móng, chàng dũm; bào có bào lớn, bào trung, bào nhỏ, bào xoi, bào rảnh... Rồi khoan tay, khoan con, ống mực, thước mộc, thước thợ, dùi đục, búa... đến cây viết chì vắt trên vành tai.

Ở Phước Bình, khu phố 8, phường Tân An, có mấy thợ mộc nổi tiếng khéo tay như: Lê Minh, Phú Hùng, Mai Lực… Những anh thợ này có tuổi nghề  trên 30 năm. Lê Minh, Mai Lực trước đây chuyên nhận làm nhà gỗ cho dân làng, những năm gần đây nhà gỗ không còn mấy ai sử dụng, vì không đủ điều kiện mua sắm máy móc mở xưởng, các anh đành quay sang nghề nông, chỉ thỉnh thoảng ai cần, nhận đóng đôi bộ cửa hoặc cái bàn, cái tủ. Riêng Phú Hùng quyết tâm bám nghề đến cùng. Có điều nghề mộc của anh bây giờ không còn làm theo kiểu thủ công như ngày xưa. Thức thời với công ăn việc làm, anh mở xưởng mộc ngay tại nhà, sắm đủ các loại máy móc, bào... vừa lo chạy mối lái, nhận hợp đồng, vừa phác thảo mẫu mã, vừa trực tiếp đứng máy ra gỗ, ra sản phẩm sơ chế, 5 thợ phụ cùng làm với anh chuyên lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm. Hàng của Hùng làm ra nổi tiếng khắp thị xã La Gi, nhất là mặt hàng cửa gỗ cao cấp. Hùng học không nhiều nhưng rất sáng dạ, chỉ cần nhìn một mẫu hàng nào đó trong catalo là anh có thể cho ra sản phẩm y hệt hoặc đẹp hơn. Nhờ có máy móc nên cây gỗ được anh tận dụng tối đa, từ cái rễ mít đến khúc lõi bạch đàn... không thứ gì không tận dụng được. Kể lại chuyện anh làm nhà để ở, ai nấy nghe đều bái phục. Căn nhà anh, ngoài phần móng với tường thuê thợ hồ xây. Riêng cửa, la phông, áp tường và trang trí nội thất, một mình anh tận dụng từng miếng gỗ nhỏ, tranh thủ chong điện làm đêm gần 2 năm trời. Căn nhà không lớn, nhưng rất đặc trưng, thể hiện sự yêu nghề và bàn tay khéo léo của anh.

Hiện nay nhờ khoa học công nghệ phát triển, nhiều loại máy ra đời hỗ trợ đắc lực cho nghề chế biến gỗ. Nghề mộc truyền thống thủ công đang có chiều hướng mai một. Tiếc thật, nhưng biết sao được, sự vận động phát triển luôn là vậy.

NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề mộc ở Tân An