Theo dõi trên

Nghị định 115 có đủ sức răn đe?

19/11/2018, 09:03

BT- Kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh hiện diễn ra tự phát, mạnh ai nấy bán, vi phạm an toàn thực phẩm. Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế, xử phạt chưa đủ sức răn đe.

 Nhiều nơi sai phạm

Ở các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh, thức ăn đường phố được bày bán tràn lan. Qua quan sát của chúng tôi ở TP. Phan Thiết, các món ăn đường phố như bún, mì, phở, nem, chả, bánh bèo, bột lọc, bánh cuốn, bánh xèo được kinh doanh không đúng quy chuẩn. Người bán hầu hết không dùng găng tay, không đeo tạp dề, bàn, ghế, tủ, kệ được bố trí rất sơ sài. Chị Nguyễn  T.B. (phường Bình Hưng) - bán bánh quai vạc ở đường Võ Thị Sáu tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi hỏi có bị nhắc nhở hay bị phạt khi không dùng găng tay để lấy thức ăn. “Tôi làm bánh thủ công rồi đem bán buổi chiều được hơn 100 nghìn đồng mỗi ngày, đâu có đầu tư chi nhiều. Cũng không ai nhắc nhở về an toàn thực phẩm. Nếu bị xử phạt chắc chắn tôi không có đủ tiền để đóng” - chị B. nói. Tại khu vực chợ Phú Thủy, chợ Đồn… các quầy bán thức ăn đường phố rất đông khách dù cho người bán tự nhiên dùng tay lấy thức ăn cho vào tô. Bụi bẩn bay lẫn lộn vào thức ăn cũng không mấy ai bận tâm. Không chỉ vậy, người trực tiếp nấu, múc thức ăn cho khách hầu như đều không sử dụng bao tay. Thậm chí, nhiều người vừa bốc thức ăn bằng tay trần vừa cầm tiền trả cho khách.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP (Nghị định 115) có hiệu lực từ ngày 20/10 đã quy định nhiều nội dung liên quan đến kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng, quầy hàng sẽ bị phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Trả lời chúng tôi về điều này, các chủ quán, quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố đều cho rằng chỉ mới nghe đến, chưa được tuyên truyền, hướng dẫn gì.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Khi Nghị định 115 đã có hiệu lực, các địa phương, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết và tuân thủ các quy định về kinh doanh thức ăn đường phố. Lâu nay, công tác tuyên truyền và xử phạt còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nhận thức của người bán lẫn người mua, xử phạt chỉ là biện pháp sau cùng. Trước khi phạt phải giúp người bán có nhận thức về ATTP. Người bán hàng rong đa số là lao động chân tay, lấy công làm lời, học vấn không nhiều. Trong khi cách thức truyền đạt kiến thức ATTP cho họ từ cơ quan hữu trách lại hàn lâm như làm thế này thì vi phạm nghị định này, quyết định kia, đầy tính răn đe... Tập huấn, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận vẫn còn mang tính hình thức. Do vậy điều quan trọng là người học tiếp thu thế nào để chuyển sang hành động. Do đó trước mắt nên hướng dẫn họ tận tình thay đổi hành vi thay vì chú trọng xử phạt. Lãnh đạo ngành y tế cũng thừa nhận, lỗ hổng trong quản lý thức ăn đường phố trước hết thuộc về địa phương cấp huyện, cấp xã. Lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh không thể quán xuyến hết loại hình này ở cơ sở và UBND tỉnh đã có phân cấp quản lý, giám sát, xử phạt cho chính quyền cấp huyện.

    
    Trước băn   khoăn mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với vi phạm trong kinh   doanh thức ăn đường phố là quá nặng, khó xử phạt..., ngành chức năng cho   rằng, so với mức xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống vi phạm   (cao nhất tới 10 triệu đồng) thì mức phạt này đủ sức răn đe, vừa phải.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định 115 có đủ sức răn đe?