Theo dõi trên

Người “ăn” ong Tư Dị

13/10/2017, 08:29

ÍBT- t ai biết, giữa lòng thành phố Phan Thiết vẫn tồn tại một nghề rất thú vị: “ăn” ong.

Tư Dị

Không phải cha truyền con nối nhưng ông Trần Hồng Nhân, bà con chòm xóm quen gọi là Tư Dị, ngụ KP5 phường Phú Hài (Phan Thiết) có hơn 40 năm gắn bó với nghề “ăn” ong, hay còn gọi là  nghề tìm mật ong rừng.

Đó là do khi vừa qua tuổi lên 10, với sở thích ưa khám phá, tìm hiểu,  Tư Dị  năn nỉ người hàng xóm chuyên lấy mật ong rừng vùng núi Cố làng Ngọc Lâm xưa (nay thuộc  KP5 - Phú Hài) là ông Võ Văn Dũng, cho mình đi cùng. Đi nhiều lần thành quen. Lớn lên một chút, là lúc 41 ha rừng vùng núi Cố trở nên quen thuộc với Tư Dị vốn đã thành thạo với với nghề tìm ong lấy mật.  

Mùa ong cho mật

Rừng quanh núi Cố và núi Tôn – hai ngọn núi chính ở làng Ngọc Lâm – đa dạng các loài cây cỏ. Có những loài, tên của nó xa lạ với nhiều người như: sài hồ, giấy lông, cỏ đầu rìu, nưa, lọ nồi… nhưng cũng có lắm loài vốn dĩ quen thuộc: cò ke, táo tiêu, trinh nữ, ti gôn… trong đó có nhiều cây có hoa chứa nhiều mật và phấn. Thông thường, cứ vào khoảng tháng 9-10 âm lịch, nhiều loài cây, cỏ quanh núi Cố và núi Tôn, đồng loạt ra hoa để khi lập đông thì kết trái. Vào mùa này, ong kéo về từng đàn, cần cù hút mật hoa, xây nên những “ngôi nhà” ấm áp, vững chãi cho đến mùa mưa năm sau.

Nếu như ở những khu rừng tràm, rừng U Minh, người nuôi ong phải gác kèo cho ong làm tổ thì ở rừng Ngọc Lâm, do tính chất rừng hỗn giao, ong dựa vào cây rừng để xây tổ. Tùy theo ong ruồi hay ong mật mà tổ ong nhỏ chừng gang tay hay to như nửa chiếc chiếu. Nếu có “duyên”, chỉ cần một tổ ong lớn,  người đi lấy mật có thể kiếm được cả chục lít mật. Rừng có vô vàn cây cối  để ong chọn làm tổ nhưng tập quán của loài này là bám vào cành cây nào (kèo) thì mùa sau cứ cây ấy mà tìm về, thường thì đóng đi đóng lại một cành nhiều năm. Người đi lấy mật có thể dựa hướng gió để tìm tổ ong vì mật ong có một mùi hương  riêng, và gió thường đưa mùi mật đi rất xa. Có khi, đi cả thôi đường, tìm đỏ cả mắt mới thấy một tổ ong nhưng tiếp cận mới biết đó là tổ ong của mùa trước, mật ong tuy còn nhưng chất lượng không như ý muốn. Giá trị dinh dưỡng của mật ong mật không cao như mật ong ruồi vì ong ruồi hút mật từ hoa góp (nhiều loài hoa) còn ong mật chỉ hút một loài hoa duy nhất. Tuy vậy, giá thành của hai loại sản phẩm này cũng không khác nhau là mấy, đều khá cao do có nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt. Tư Dị nói có những chuyến đi, ông phải nán lại rừng lâu hơn dự kiến và đã ăn ong non còn nằm trong tổ để chống đói. “Ăn không nhiều vì ăn nhiều sẽ say. Được cái rất bổ dưỡng… lội cả ngày trong rừng cũng không biết mệt là gì!”, Tư Dị đúc kết.

“Năm nay mưa nhiều quá.Mưa nhiều, nước sẽ ngấm vào tổ, làm loãng mật. Lấy mật tốt nhất là mùa nắng”, Tư Dị nói. Ông còn bày cho chúng tôi cách nhận biết mật ong nguyên chất hay mật ngấm nước mưa hoặc bị pha nước. Theo đó, nếu để mật ong vào tủ lạnh, qua một thời gian, mật vẫn giữ nguyên độ sệt là mật “xịn” nhưng nếu bị đông đá chắc chắn  bị pha trộn. Cách khác, cắm ngập thân một cây nhang vào mật rồi đem đốt. Nếu là mật thiệt, cây nhang cháy ngon lành. Mật pha nước sẽ làm cây nhang nổ lách tách khi cháy và cháy không trọn vẹn. Thuận mùa hay trái mùa, những giọt mật ong Tư Dị kiếm được đều có người tới nhà hỏi mua ngay vì biết rõ sự chân chất cũng như uy tín của con người này.

Nằn nì mãi, Tư Dị cũng cho tôi theo một chuyến đi rừng. Không phải Tư Dị muốn giấu nghề đối với một phụ nữ như tôi nhưng người đàn ông này cứ nhìn từ đầu xuống chân tôi rồi ái ngại, “liệu chị có theo tôi nổi không, lỡ có chuyện gì…mệt lắm!”. Nói vậy thôi chứ với bản tính hiền hòa, cởi mở, cuối cùng Tư Dị cũng xiêu lòng.

 Sau khi  vượt qua bên kia dốc Lầu Ông Hoàng, trên đường dẫn vào những khu mộ của một số gia thế nổi tiếng sang giàu ở Phan Thiết thế kỷ trước, như Bát Xì, bà Hòa Chánh…, Tư Dị bắt đầu cho tôi “lội” vào những lùm bụi. Kia rồi, một tổ ong to chừng một gang tay hiện ra trước mặt, bên dưới một cành cây đầy lá. Chờ tôi chụp vài tấm ảnh, Tư Dị tiếp tục dẫn tôi đi sâu hơn. Đang đi, bất chợt, ông dừng lại, dùng mũi dao vạch một bụi gai mắt quạ, chỉ cho tôi một tổ ong nữa, nhỏ hơn tổ lúc nãy. Cả hai tổ, Tư Dị đều kéo cành cây phủ lấp, như ông nói để thêm khoảng nửa tháng nữa, đúng mùa, cho mật dày hơn. Tư Dị  còn cho biết, cây rừng quanh núi Cố, núi Tôn không cao lắm, những loài như cóc lột, bồ xít, tràm… chỉ cao chừng 10 - 15 m nên nếu ong làm tổ cũng dễ dàng leo lấy. Người “ăn” ong chỉ lấy mật khi ong còn đầy trong tổ và như thế thì phải bó lá rừng thành con cúi, nửa khô, nửa xanh để khi đốt cho nhiều khói xua ong đi nơi khác. Phải cẩn thận không để cho cúi tắt giữa chừng, rất nguy hiểm vì lúc đó ong sẽ bu quanh và đốt tới tấp “kẻ phá bĩnh”. Tư Dị cười với đôi mắt lấp lánh, ong ruồi đốt chừng chục “phát” vẫn không “xi nhê” chứ ong mật thì coi chừng…sốt, phù… “Nhưng cỡ nào tôi cũng có cách giải nọc ong. Chỉ bằng lá cây quanh mình thôi, nhai đọt me, đọt đậu bắp…là êm”.

Mấy chục năm rồi, không còn nữa những ngày dân làng Ngọc Lâm ới nhau đi  tìm mật bởi nhiều người đã chọn nghề khác mưu sinh…  bởi hai lẽ: sau những biến động, rừng không còn dày để ong tìm về làm tổ nhiều như trước; việc tìm mật mang tính may rủi, không phải lần vào rừng nào cũng lấy được mật… Dưới chân mấy ngọn núi quanh vùng giờ chỉ còn Tư Dị và anh Tho ở sát nhà bám nghề, như là một sự nặng tình, nặng duyên.

Nghèo vẫn khí khái

Nếu tính cả những tháng tìm mật ở các vùng rau thuộc hợp tác xã 4 Hàm Nhơn hay lên Hàm Đức 3 khi ong về xây tổ ở những cây thuộc họ rau củ như: dưa leo, bí đỏ, cỏ đắng, ngò dại, lưỡi rắn, đồng tiền, đậu đũa… thì ong giúp người làm nghề có khoảng 6 tháng có thu nhập, tính từ tháng 9 năm trước đến khoảng giêng, hai năm sau. Những lúc cạn nguồn mật, Tư Dị sục sạo trong rừng để xắn măng, kiếm củi về bán. Còn mảnh đất hương hỏa ông bà để lại ở khu phố 5, ông canh tác theo mùa nhưng cũng bấp bênh  “vì thời tiết bây giờ không lường trước được”.

Thu nhập không ổn định, nên gian nhà mẹ ông để lại từ năm 1972, đến nay vẫn chưa sửa được. Bốn bề là tôn kẽm chỉ lưa thưa vài tấm ván bện vách, những vật dụng sinh hoạt trong gia đình vừa ít lại vừa cũ kỹ. Vợ đang làm tạp vụ ở một resort, 4 đứa con phải nghỉ học ngang để làm thuê làm mướn vì sức ông không kham nổi tiền trường và nhiều thứ khác. Rừng cách nhà vài cây số, chỉ mất khoảng 15 phút xe máy nếu đi đường tắt nhưng hàng chục năm trời ông lội bộ rồi đi xe đạp cho tới khi em gái tặng xe máy (nhưng rồi cũng bị mất). Chị Nguyễn Thị Nhơn, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Hài cho biết, vài năm trước, hội đánh tiếng giúp ông cất nhà tình thương nhưng ông chối phắt với lý do con đông, cất sao cho bọn nó đủ để ở, khỏi giành qua giành lại. Giờ thì đỡ nhọc nhằn hơn nhưng cái nghèo vẫn bám lấy chưa buông. Mới hơn 50 tuổi nhưng nét mặt người đàn ông có đôi mắt rất đẹp ấy khắc khổ nhiều với mái tóc bạc gần hết đầu, da mồi nhăn nheo…do phải luôn đối mặt với cái ăn hàng ngày, cũng như những hiểm nguy rình rập dưới mỗi bước chân trong rừng. 

***

Tư Dị nói khi chia tay tôi ở cửa rừng: “Thấy một tàn thuốc cháy dở trong rừng, tôi lật đật dập tắt ngay. Hay như có người đặt tôi bán cho họ cả tổ ong với cả đàn ong nhưng cho dù họ trả bằng vàng tôi cũng không làm chuyện ấy. Tiền bao nhiêu cũng ăn hết nhưng làm vậy là trái với quy luật của tạo hóa, đánh đổi sự bình yên của muôn loài. Điều đó người ít học như tôi vẫn nằm lòng”. Tôi nghĩ trong đầu: nếu tìm một người yêu rừng, hết lòng với rừng thì chính là người đàn ông này đây. Một người hiểu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên hơn bao người nói những lời sáo rỗng mà tôi  nghe thấy hàng ngày…

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “ăn” ong Tư Dị