Theo dõi trên

Người mang “án” khai man

07/03/2020, 09:10 - Lượt đọc: 60

BT- Trong tình huống này, khi người trong cuộc còn sống phủ nhận thì vô cùng nguy hiểm, bằng chứng đã đẩy một gia đình vào vòng bia miệng, dù tình ngay lý gian..  

Khúc quanh

Đêm hôm ấy, một đêm bà cứ tưởng tim mình không đập nữa, có lẽ ra đi ở lứa tuổi 70 rồi. Suốt đêm, bà lẩn thẩn đi ra đi vào và lẩm bẩm rồi tranh cãi một mình khiến cả nhà phải canh giữ. Ai cũng bất ngờ, còn bản thân bà quá bất ngờ với tất cả mọi việc xảy ra liên tiếp, cứ như sét đánh giữa trời quang. Vì hồi chiều, ngày 15/12/2016, Hội đồng chính sách xã Phong Nẫm (TP.Phan Thiết) đã tổ chức cuộc họp về việc thu hồi Huy chương kháng chiến hạng nhất của bà Dương Thị Ngọc Ẩn. Bà chính là Dương Thị Ngọc Ẩn, người bị thu hồi huy chương vì lý do… khai man.

Chuyện là khi đi tìm người xác nhận để đủ điều kiện trong hồ sơ nhận huy chương, bà đã gặp 3 người. Người thứ nhất viết vào giấy xác nhận thành tích vào ngày 18/3/1998: “Năm 1972, tôi được phân công về phụ trách xã Hàm Tiến (xã Phong Nẫm bây giờ - PV), sau khi anh Bảy Lãnh (Anh hùng Đặng Văn Lãnh - PV) hy sinh, tôi trực tiếp bắt liên lạc móc nối lại một số cơ sở cũ mà suốt quá trình từ năm 1963 do anh Bảy Lãnh tổ chức xây dựng các cơ sở tại thôn Xuân Phong. Trong đó có chị Dương Thị Ngọc Ẩn là cơ sở do các anh tổ chức và giao nhiệm vụ…”. Hai người khác là hai chị em được cho là hoạt động cùng tổ cơ sở với bà, vì trong giấy xác nhận đều ghi là từ năm 1963 đến Mậu Thân năm 1968, bà và họ cùng hoạt động trong tổ cơ sở…Và chữ ký của hai người này được Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp xác nhận vào ngày 31/3/1998. Đến năm 2011, bà Ẩn được nhận Huy chương kháng chiến hạng nhất cùng số tiền hơn 1,4 triệu đồng. Đến năm 2015, bỗng “sóng gió ba đào” nổi lên. Người thứ nhất có bản tường thuật về việc xác nhận hồ sơ bà Ẩn của bản thân là sai sót, với lý do: “Tôi đã thiếu kiểm tra và cả tin lời khai của bà Ẩn nên đã xác nhận…”. Hai người là chị em xác nhận lúc trước cũng có đơn trình bày, tóm lại như sau: “Bà Ẩn không phải cơ sở do chị em tôi tổ chức và chỉ huy gì cả. Hồ sơ đó do bà Ẩn tự khai, tự ký không phải chị em tôi xác nhận”. Sau đó, mọi chuyện đã diễn ra theo quy trình vốn có với  kết cục trên. 

Bóng tối 

Bà gặp tôi ở trạng thái đã “chồn chân mỏi gối”, sau 5 năm tự đi thanh minh chuyện mình đến các ban, ngành liên quan cùng với vô số đơn thư và tập hồ sơ mới để được cấp lại huy chương. Nhìn nét mặt ấy, đọc những đơn ấy, tôi cảm nhận người phụ nữ ở lứa tuổi 74 này đã dồn nỗi niềm lên đỉnh điểm. Nỗi niềm về danh dự cho gia đình bà, một gia đình thương binh - liệt sĩ. Nỗi niềm cho bản thân, vì đã ở cái tuổi có thể sống nay chết mai. “Nếu ngày mai có chết thì hôm nay, cô cũng phải làm cho rõ trắng đen. Không thể đưa lý do cho việc thu hồi huy chương là cô khai man được. Cọp chết để da. Người ta chết để tiếng mà con!” – Bà Ẩn cứ nhắc đi nhắc lại như thế, khi tôi lắc đầu ái ngại rằng tuổi già sức yếu rồi và chuyện huy chương ấy cũng chỉ có hơn 1,4 triệu đồng, không nuôi sống nổi bà. Nhưng khi bà nói đến danh dự thì tôi hiểu. Thời chiến, những hoạt động như bà đã làm, từ cung cấp thông tin, nhu yếu phẩm, rải truyền đơn… chỉ có người chỉ huy biết, tổ chức ấy biết, cụ thể là đội trưởng của bà, anh hùng Đặng Văn Lãnh hay đội phó Sáu Râu. Nhưng bây giờ, họ đều đã hy sinh. Vì vậy, khi rơi vào cảnh này, bà bị kẹt cứng…

Sau khi các sở, ngành liên quan “mở lối”, nói bà tìm những người khác xác nhận để được cấp huy chương lại nhưng sau đó cũng nhận ra, bà sinh năm 1947 tham gia giúp đỡ cách mạng từ năm 1963, tức chỉ mới 16 tuổi. Theo quy định, phải có tổ chức cách mạng xác nhận nhưng cấp trên của bà đều đã hy sinh. Vì thế, hồ sơ làm lại này chưa thể thực hiện, dù có 3 người tham gia cách mạng trên cùng địa bàn xác nhận cho bà. Nhưng lạ là cả 3 người đều có đơn phủ nhận sau đó. Bà Nguyễn Thị Kim Lan (sinh năm 1950), hiện đang ở thôn Phú Cường, xã Hàm Cường – Hàm Thuận Nam là tâm tư nhất: “Chính bà Ẩn đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao trong chiến tranh tại địa bàn xã Hàm Tiến lúc ấy  từ năm 1965 - 1968 thông qua nắm báo tình hình hoạt động của địch, rải truyền đơn… nhưng bây giờ, tôi xác nhận điều đó thì lại có đơn phủ nhận. Không thể hiểu vì sao những người ấy không hoạt động trong hoàn cảnh đó mà lại khăng khăng cứ như người trong cuộc”. 

Không chỉ thế, còn xảy ra tình trạng thư phản ánh tập thể mang danh là nhân dân xã Phong Nẫm không đồng ý chuyện bà Ẩn được nhận huy chương với 10 người đứng tên. Tuy nhiên, khi UBND thành phố Phan Thiết làm việc trực tiếp với từng người một thì nhiều người bất ngờ, vì không hề biết mình có tên trong thư phản ánh. Bà Ẩn, người trong cuộc thực sự đã sống trong bóng tối đã 5 năm qua cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì đêm xuống, bà nào có ngủ được. Trong những ngày tháng ấy, bà thẹn về cái sự chủ quan của mình đẩy danh dự gia đình vào chỗ điều tiếng với anh bà  là liệt sĩ, người đã tham gia một trận đánh tại Ngã Hai (Hàm Mỹ - Hàm Thuận Nam) và hy sinh vào đêm 20/10/1967. Bà ngậm ngùi với đứa em là thương binh bậc 2/4, khi người ấy thẽ thọt với bà: “Thôi chị, ai nói mình khai man cũng được. Những người hiểu chuyện tin chị. Cũng đã đi kêu oan mấy năm nay rồi mà!”.

Phải có cuộc họp mặt

Ai cũng cảm nhận có chuyện gì đó giữa họ, những người đã đi qua đau khổ chiến tranh nhưng vì sao, khi đã ở lứa tuổi chỉ mong vui với con cháu lại phải vác đơn đi khiếu nại, tố cáo nhau? Nhưng sau 5 năm nhìn lại vụ việc liên quan đến khai man, chuyện vẫn cứ hài hước sao ấy. Chuyện hai người mà bà Ẩn nhờ xác nhận cho rằng đó không phải chữ ký của họ. Vậy chữ ký này của ai? Bà Ẩn cũng không nhớ ai đã viết nội dung và ký nữa, đã thành thật với tổ kiểm tra xác minh (TP. Phan Thiết) rằng hai người là đồng đội đã ký xác nhận cho bà trên tờ giấy học trò. Sau đó, bà đem 2 tờ giấy ấy lên UBND xã Hàm Hiệp để đề nghị xác nhận nhưng chủ tịch xã bảo phải theo mẫu giấy xác nhận chung, chứ không thể sử dụng giấy học trò được. Vì vậy, chủ tịch xã đã gọi một cán bộ làm tại xã lấy 2 tờ giấy xác nhận mẫu có sẵn rồi dựa vào nội dung giấy học trò ấy ghi lại và ký giùm luôn cho hai người đồng đội. Sau đó, chủ tịch xã mới ký xác nhận chữ ký trên của hai đồng đội của bà.

Mọi chuyện cứ tưởng rất bình thường ở vùng nông thôn, khi mà người dân không nắm hết mọi quy định liên quan, còn chính quyền cũng làm việc theo hướng tạo điều kiện dễ dãi cho xong việc, nhất là với những người đã có công trong kháng chiến. Nhưng trong tình huống này, khi người trong cuộc còn sống phủ nhận thì vô cùng nguy hiểm, bằng chứng đã đẩy một gia đình vào vòng bia miệng, dù tình ngay lý gian. Nếu giả dụ là khai man, là cán bộ xã Hàm Hiệp đồng phạm vào hồ sơ khai man, sao cán bộ viết giùm ấy lại vô tư viết trên 2 tờ xác nhận để cho ai cũng phát hiện ra. Còn nữa, nếu bà Ẩn khai man thì sao không tìm người nào ở Phong Nẫm cho gần, mà lại phải lặn lội đến tận thôn xa của xã Hàm Hiệp, tìm đúng hai chị em người này để ký xác nhận? Ước gì lúc đi xác minh, kiểm tra, UBND thành phố Phan Thiết tìm hiểu, phân tích kỹ về 2 nội dung trên, trước khi trình UBND tỉnh thì mọi chuyện không phải kéo dài nhì nhằng…

Bao người mà tôi đã gặp để tìm hiểu rõ sự việc bà Ẩn đều có chung một ước muốn là phải có một cuộc gặp mặt của những người hoạt động cách mạng ở vùng Phong Nẫm và vùng lân cận liên quan để làm sáng rõ vấn đề. Tôi cảm nhận niềm đau xót đồng chí của một lão thành cách mạng tại xã Hàm Hiệp, khi nói:  “Bác trông có cuộc gặp mặt chung, để hỏi rõ vì sao lại cư xử như thế, để xảy ra cơ sự này...” .

    
      Bí thư Thành Ủy Phan Thiết Nguyễn Thu Sơn nói: “Ở vùng cách mạng Phong   Nẫm, hầu như nhà nào cũng có công với cách mạng, không nhiều thì ít. Vụ   việc của bà Ẩn, do chưa đủ điều kiện theo quy định như cấp trên đã hy   sinh..nên chưa thể nhận huy chương, không nên nói người ta khai man”.  

Bút ký: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người mang “án” khai man