Theo dõi trên

Nguy cơ lũ lụt nặng khu vực hạ lưu sông Lũy

16/05/2018, 08:33

BT- Gói thầu báo cáo đánh giá tính dễ bị tổn thương lưu vực sông Lũy thuộc Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu, Sở Kế hoạch & Đầu tư giao Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi thực hiện. Theo hai tiến sĩ chuyên ngành thủy lợi Nguyễn Thành Long, Đỗ Hoài Nam, mục tiêu chính của gói thầu tư vấn kỹ thuật là lập bản đồ điểm nóng ngập lụt và tính dễ bị tổn thương do ảnh hưởng BĐKH lưu vực sông Lũy thuộc 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình. Qua đó cho thấy khu vực điểm nóng về lũ lụt đối với cơ sở hạ tầng trong vùng hạ du lưu vực sông Lũy là một số diện tích hẹp ven sông thuộc khu dân cư thị trấn Phan Rí Cửa và xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong. Với diện tích điểm nóng lũ lụt lớn nhất 981.892 m2, ứng với tần suất lũ 1% theo kịch bản BĐKH RCP 8.5 dự báo cho năm 2030. Tiếp đó các khu vực có rủi ro lũ lụt mức trung bình, thấp thuộc các xã, thị trấn: Phan Thanh, Sông Bình, Sông Lũy, Chợ Lầu, Lương Sơn, Phan Rí Thành… thuộc 14 xã, thị trấn...

Cùng với đó, báo cáo đánh giá trên cũng cho thấy tính dễ bị tổn thương (TDBTT) của hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực các xã nông thôn cao hơn khu vực đô thị (Lương Sơn, Chợ Lầu ở mức rất thấp, Phan Rí Cửa mức trung bình). Nguyên nhân do chất lượng vật liệu xây dựng thấp, sử dụng vật liệu địa phương, kết cấu công trình thô sơ. Mặt khác điều kiện kinh tế - xã hội khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến năng lực thích ứng hạn chế rất nhiều so với thành thị. Qua đó, đơn vị tư vấn đã lập các bản đồ phản ánh TDBTT cơ sở hạ tầng khu vực đồng bằng ngập lũ lưu vực sông Lũy như cơ quan hành chính, cơ sở y tế, trường học, chợ, cây xăng, hệ thống cấp thoát nước, trạm biến áp, đường dây điện, hệ thống giao thông, thủy lợi, viễn thông, khu nhà ở dân cư… TDBTT hệ thống cơ sở hạ tầng trên được đánh cho 3 kịch bản: giai đoạn hiện tại, kịch bản biến đổi khí hậu năm 2030 và biến đổi khí hậu 2050.

TS Nguyễn Thành Long cho biết, các công trình cơ sở hạ tầng được số hóa lên bản đồ trên cơ sở số liệu xác định vị trí của nó bằng thiết bị GPS ngoài thực địa. Từng công trình riêng lẽ sau đó được gắn toàn bộ các thuộc tính liên quan tới thông số kỹ thuật của công trình, các giá trị chỉ số TDBTT đã tính toán. Kết quả  xây dựng các bản đồ TDBTT được hệ thống hóa trên cơ sở dữ liệu GIS theo 3 loại. Bao gồm bản đồ TDBTT cho từng công trình cơ sở hạ tầng cụ thể, hiển thị toàn bộ không gian điện, đường, trường, trạm trên bản đồ khổ A0, tỷ lệ 1:40.000. Với bản đồ TDBTT cho từng loại công trình được tính trung bình hóa theo đơn vị hành chính xã, thị trấn, thể hiện ở tỷ lệ 1:125.000 khổ giấy A3. Và bản đồ TDBTT cho tất cả các loại công trình.

Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, với cách tiếp cận hiện đại, cập nhật đầy đủ các kiến thức về biến đổi khí hậu, TDBTT, các kết quả đánh giá cho thấy cơ sở khoa học, mức độ tin cậy. Do đó, kết quả này cùng với các kết quả nghiên cứu khác của dự án sẽ được sử dụng làm cơ sở cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH khu vực sông Lũy nói riêng, địa bàn Bình Thuận nói chung. Được biết, báo cáo đánh giá tính dễ bị tổn thương lưu vực sông Lũy thuộc Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên quan với BĐKH tại tỉnh Bình Thuận do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ.

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ lũ lụt nặng khu vực hạ lưu sông Lũy