Theo dõi trên

Nguy hiểm khi ăn cá nóc

30/04/2018, 08:52

BT - Ai cũng biết ăn cá nóc nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nhiều người vẫn ăn và rồi chết vì cá nóc.

Tính trong giai đoạn 2012 – 2017, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên với 42 người mắc và nhập viện, trong đó 6 người tử vong do ăn cá nóc, ốc lạ có độc tố tự nhiên. Cùng thời gian này, có 455 người bị ngộ độc do vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Số liệu trên cho thấy tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc cao và không giảm so với tổng số trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Chẳng hạn, cuối tháng 10/2017, có 6 ngư dân ăn thịt cá nóc và bị ngộ độc trên tàu đang đánh bắt cá ngoài khơi biển La Gi. Tuy các tàu phải quay vào bờ để cấp cứu các nạn nhân, nhưng có 1 nạn nhân đã không qua khỏi và tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện…

         
   

         

         Cá nóc (trên tấm    bạt) được bày bán tại Mũi Né.

Thực ra, độc tố cá nóc tập trung ở nội tạng như gan, mật, cơ quan sinh sản… của cá và tăng mạnh khi vào mùa sinh sản, thịt cá nóc không chứa độc tố. Khi đánh bắt, chế biến… nội tạng bị dập làm độc tố ngấm vào thịt, người ăn vào sẽ bị ngộ độc. Đây là lý do nhiều người vẫn bị ngộ độc sau khi bỏ phần nội tạng cá nóc. Rất nhiều người biết ăn cá nóc chẳng khác gì gọi là tử thần đến “rước”, nhưng vẫn ăn và cho rằng thịt cá nóc thơm ngon, dai như thịt gà. Sau khi lột da, loại bỏ nội tạng thì có thể sử dụng thịt cá an toàn. Tuy nhiên đến thời điểm này, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa công bố về những giá trị dinh dưỡng của thịt cá nóc như lời đồn đại. Mức  độ  thơm  ngon  thì  hoàn  toàn  tùy  thuộc  cảm nhận của mỗi người. Còn mức độ ngộ độc ảnh hưởng đến tính mạng của người ăn đã được nhiều nhà khoa học chứng minh.

Lâu nay, cá nóc chưa được khai thác bằng các ngư cụ chuyên biệt mà thường lẫn trong các mẻ lưới đánh bắt, với số lượng không đáng kể. Một số chủ tàu đánh bắt cá cho biết, dù không cố ý đánh bắt, nhưng cá nóc thường xuyên dính lưới. Ngư dân không có đủ thời gian lựa lọc thả lại biển, mà đưa vào bờ được phân phối thành nhiều cách như bán tươi giá rẻ, hoặc phơi khô nhưng số lượng rất ít. Phần lớn họ đổ đại trên bờ sông, bờ biển rồi trôi dạt bồng bềnh gây ô nhiễm.

Rõ ràng, vấn đề ngộ độc cá nóc đã được ghi nhận ở rất nhiều nơi. Đi cùng là những văn bản, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân cấm khai thác, thu gom, vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cá nóc và sản phẩm từ cá nóc dưới mọi hình thức. Song, quá trình đánh bắt khá nhiều cá nóc dính lưới. Vấn đề đặt ra, lượng cá nóc dính lưới này sẽ đi về đâu và xử lý ra sao? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải hướng dẫn ngư dân cách xử lý lượng cá nóc dính lưới, tránh tình trạng gây ô nhiễm, cũng như không để xảy ra các vụ ngộ độc cá nóc.

         
         Cá nóc có hơn 60 loài, với tổng trữ lượng 37.852 tấn dọc vùng biển    Việt Nam. Trong đó, vùng biển miền Trung là 16.677 tấn, Đông Nam Bộ    là 7.705 tấn… Cá có độc tố tetraodontidae chiếm trữ lượng cao nhất    với 32.134 tấn, tương ứng khoảng  85%  tổng trữ lượng cá nóc ở vùng    biển Việt Nam.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy hiểm khi ăn cá nóc