Theo dõi trên

Nguyên liệu tự nhiên sẽ đắt đỏ? 

07/07/2017, 08:14 - Lượt đọc: 24

Kỳ diệu lá cây rừng

Nguyên liệu tự nhiên là các sản phẩm được chế biến từ thực vật, động vật và vi sinh vật thu hái hoặc nuôi trồng trong tự nhiên hoặc đã nội địa hóa, được sản xuất theo cách thức sinh thái, không sử dụng bất kỳ sản phẩm hóa chất nào.

Rừng Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) trở nên đặc biệt hơn với những ai có cơ hội tiếp cận các bài thuốc tặng vì ơn nghĩa, thân thiết của ông Hoàng Văn Lức, người Rai, năm nay đã 81 tuổi. Tất cả những bài thuốc trị các chứng bệnh khác nhau của ông, từ dành cho phụ nữ sau sinh, bị trúng gió, làm rượu cần, ngâm rượu uống cho khỏe người… đều là sự phối trộn từ các loại lá cây rừng. Một sự kết hợp rất ngoạn mục, lá cây này phối hợp với lá cây khác là ra vị thuốc nhưng kết hợp với lá cây kia thì thành ra chất độc, có thể gây chết người. Mà lá cây rừng nhìn thoáng qua phần lớn đều giống nhau, vì thế, việc chỉ bày hướng dẫn cho con cháu hay người dân trong xã của ông rất hạn chế, đích thân ông phải đi hái, hoặc chỉ tận mắt cho con cháu thấy. Trước ông làm Bí thư xã, dù bận việc, ông cũng tranh thủ cùng con cháu lên rừng hái lá thuốc. Về hưu ông là người uy tín ở Mỹ Thạnh, là già làng trưởng bản chủ chốt, thời gian rảnh nhiều hơn nhưng sức khỏe kém dần đi, ông cũng dần ít vô rừng hái thuốc hơn. Thực tế, người dân tại xã vùng cao này cũng đã ít quan tâm đến những bài thuốc mất nhiều công nhọc nhằn leo núi lội rừng này, ai đau bệnh tới trạm y tế xã lấy thuốc tây uống. Theo thời gian, những bài thuốc từ lá cây rừng, nguyên liệu tự nhiên đặc biệt của vùng núi Mỹ Thạnh đang dần lãng quên.

Thu hoạch bụt giấm. Ảnh: Ngọc Lân

Không chỉ ở Mỹ Thạnh, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh cũng có những bài thuốc từ cây lá rừng như vùng Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) có bài thuốc dành cho phụ nữ sau sinh uống, chỉ 2 - 3 ngày sau là họ có thể đi làm… Và đó là bí mật của riêng người dân trong vùng. Hiện nay, việc lưu giữ, bảo tồn những bài thuốc từ lá cây rừng của cộng đồng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm. Bằng chứng, theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, lâu nay chưa có một đề tài khoa học, dự án nào bảo tồn những bài thuốc này cũng như nhân rộng vùng nguyên liệu tự nhiên quý giá tại các vùng rừng trong tỉnh.

Cơ hội đến?

Cuối tháng 6, Hội thảo khởi động dự án Thương mại sinh học vùng Đông Nam Á đã được tổ chức. Dự án này do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ và thực hiện bởi HELVETAS (tổ chức phi chính phủ Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ) có tổng số tiền tài trợ là 4,9 triệu đô la Mỹ; trong đó, tiền tài trợ cho Việt Nam từ năm 2017 đến 2020 là 2,7 triệu đô la Mỹ. Thông qua dự án này, nhiều nước trên thế giới sẵn sàng trả giá cao để mua những sản phẩm tự nhiên được khai thác một cách bền vững và theo cơ chế thương mại công bằng. Những nguyên liệu tự nhiên này thường được dùng trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và cả thực phẩm. Từ đó, sẽ bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn…

 Với vùng đất Bình Thuận, đâu chỉ có cây thuốc tự nhiên tại các vùng núi rừng, mà còn có nhiều loài cây khác người dân trồng từ lâu, có độ thích nghi cao như loài cây bản địa, phục vụ cho nhu cầu sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm như sản phẩm mủ trôm, cây bụp giấm, cây đinh lăng… Cái đang thiếu không chỉ ở Bình Thuận là chưa có cơ chế bảo vệ để bảo đảm những sự phát triển ấy mang lại bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Và chính dự án trên sẽ làm được điều đó. Thực tế thấy rất rõ, một vùng đất như Bình Thuận có sẵn tiềm năng cho khôi phục và hình thành những vùng nguyên liệu tự nhiên. Đây là cơ hội cho các công ty tham gia dự án trên tìm đến và cũng là cơ hội cho người dân trong tỉnh tham gia liên kết sản xuất, nuôi trồng những nguyên liệu tự nhiên.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024): Từ đội tàu hùng hậu hướng đến chế biến sâu
Bình Thuận là một trong những “vựa cá” lớn của nước ta. Phát triển toàn diện ngành thủy sản theo hướng bền vững là cách mà Bình Thuận tiếp tục chọn lựa để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, ngành Thủy sản Bình Thuận đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, từng bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên liệu tự nhiên sẽ đắt đỏ?