Theo dõi trên

Nhân đọc bút ký: “Thăng trầm nước mắm Phan Thiết”: Nghĩ về Phan Thiết xưa và nghề nước mắm

14/09/2018, 08:56 - Lượt đọc: 402

BT- Là một người con sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, nhiều năm qua, tôi luôn có mong ước nhỏ nhoi là đọc được những sách, báo, tạp chí có liên quan nói về Phan Thiết, Bình Thuận quê mình. Không chỉ nói về Phan Thiết, Bình Thuận của ngày nay, mà là của những ngày tháng cũ. Đất và người Phan Thiết, Bình Thuận, gần gũi với tôi, nhưng sao tôi thấy mình biết chưa nhiều. Nhất là những ngày tháng trước. Người Phan Thiết của một 100 năm trước đã sống ra sao? Ông cha ta đã sinh sống trên mảnh đất này với những nét tài hoa nào? Nguồn sống chính? Bao nhiêu điều về văn hóa của người Phan Thiết, Bình Thuận. Tôi say mê đọc Địa chí Bình Thuận, tìm trong đó những tư liệu quan trọng, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi tìm đến những bài thơ, bản nhạc viết về Phan Thiết, Bình Thuận với những kỷ niệm đáng yêu của nhiều tác giả.

                
Ảnh: Đ. Hòa

Và lần này, tôi đã tìm được một tư liệu quý, khi đọc được bút ký Thăng trầm nước mắm Phan Thiết của tác giả, nhà báo Hà Thanh Tú (đăng ở Báo Bình Thuận cuối tuần, số 6076 (ngày 3/8/2018), 6081 (ngày 10/8/2018) và 6086 (ngày 17/8/2018) ).

Tôi bị sức hút từ đề tài bút ký đề cập: Nước mắm Phan Thiết. Một phần bởi gia đình tôi, ba má tôi đã có nhiều năm sống bằng nghề làm nước mắm, trước ngày giải phóng. Tôi đã chờ đợi đến 2 tuần để có thể đọc trọn 3 kỳ bút ký Thăng trầm nước mắm Phan Thiết.

Tôi đã có được những thông tin mới mẻ, bổ ích từ bút ký này: “Lịch sử nước mắm Việt”, “Những trang sử nước mắm Phan Thiết – Ba thời kỳ nước mắm Phan Thiết”, “Cuộc chiến nước mắm”. Tôi nghĩ đến sức đọc, sức tìm hiểu, gặp gỡ với nhiều người, đối chiếu những thông tin, những nguồn tài liệu khác nhau, cùng với nội lực của nghề… để sau cùng, tác giả có được những trang viết, vừa giàu tư liệu, giàu chất nghĩ suy, lại vừa lém lỉnh, tình tứ, có lẫn sự ngọt ngào văn chương trong từng trang viết!

Đọc Thăng trầm nước mắm Phan Thiết, tôi nhớ về nghề cha mẹ tôi đã làm ngày xưa. Ký ức về nghề làm mắm ùa về trong tôi với biết bao nỗi nhớ!

Tôi nhớ những ngày cha tôi chuẩn bị thùng lều để muối cá, những ngày mẹ tôi xuống Cồn Chà mua cá, những ngày muối được chở về kho nhà. Tôi lại nhớ những ngày cha tôi muối cá, với mùi nồng tanh nhưng khó có thể quên; nhớ những ngày mẹ tôi trét những tĩn nước mắm dán nhãn hiệu nước mắm của gia đình (Mỹ Thành), rồi đánh quai; nhớ những ngày nước mắm kéo ra từ thùng lều đã trong, cha tôi dùng 1 ống thủy tinh để đo lại độ mặn. Nhớ sao những bữa cơm thật ngon, cơm trắng nóng hổi ăn với nước mắm nhỉ, nguyên chất, thêm chút chanh ớt, thật đậm đà. Cũng thật tự nhiên, tôi nhớ nhiều nhất ngày tôi còn thơ dại, theo cha vào Sài Gòn để thu tiền bán nước mắm. Những hiệu buôn Ngư Thủy, Hồng Tân của Sài Gòn những năm trước giải phóng là những nhà buôn tiêu thụ nhiều nước mắm của gia đình tôi. Cha dắt tôi đi ăn những món ngon của Sài Gòn ngày ấy: Phở (ở đường Pasteur), nem nướng, mì vịt tiềm (Chợ Lớn)… Hai cha con cùng đi xem cải lương ở rạp Hưng Đạo…

Sự thịnh vượng của nhiều gia đình làm nghề sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, trong đó có một phần nhỏ ở gia đình tôi, là ký ức đậm nét, luôn sống động, lung linh trong tôi, khó phai mờ! Nhờ nước mắm, cha mẹ tôi nuôi 7 chị em chúng tôi ăn học, thuốc thang, lo ơn nghĩa gia đình. Nhờ nước mắm, cha mẹ tôi có những miếng đất gần nhau, để dành cho các con về sau. Nhờ nước mắm, cha mẹ tôi không vướng nợ nần, để ngày nhắm mắt, xuôi tay, không có ai đến đòi nợ con cái. Nước mắm, với người dân Phan Thiết nói chung, đã nuôi sống nhiều gia đình. Nước mắm đã nuôi sống gia đình tôi trong nhiều năm, ở giai đoạn thăng hoa của nó. Tôi tiếc rằng, cha mẹ tôi đã để cho các con tự chọn nghề nghiệp theo sức khỏe, theo sức học của mình. Để đến nay, chị em chúng tôi làm những nghề khác nhau, không còn theo nghề của cha mẹ.

Đối với tôi, nước mắm Phan Thiết, dù rất quen, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa hiểu thật thấu đáo về nó. Vì sao nước mắm Phan Thiết ngon hơn, đậm đà hơn nước mắm một số vùng miền khác của đất nước? Vì sao trước giải phóng, những hàm hộ nước mắm nổi tiếng của Phan Thiết như: Hồng Hương, Hồng Sanh, Hồng Hưng, Vạn Hương, Mậu Hương, Kiết Thành, Hồng Đức… luôn giữ bí quyết chế biến của mình, mà vẫn góp phần làm cho tiếng của nước mắm Phan Thiết vang xa, bởi chất lượng luôn thơm ngon của nó?

Tôi yêu Phan Thiết, tôi yêu nước mắm quê tôi. Nước mắm ấy đã một thời lừng danh, để góp phần làm cho Phan Thiết có tên tuổi với mọi miền. Để theo những tài liệu xưa có giá trị được trích trong bút ký Thăng trầm nước mắm Phan Thiết “Mỗi năm họ nộp về kinh đô nước mắm và mắm tép”, “Vào đầu thế kỷ XIX, nước mắm Phan Thiết nổi tiếng đến mức, mỗi năm vào tiết Tiểu Mãn và Đại Thử, nhà Nguyễn dùng 3 chiếc ghe bầu chở nước mắm và hải sản khô của Phan Thiết về Kinh”. Vinh dự lắm thay! Hóa ra triều đình ngày trước, không chỉ dùng nem công, chả phượng. Mà, trong những bữa ăn của vua chúa ngày xưa, đã cần có nước mắm và hải sản khô của Phan Thiết rồi!

Tác giả bút ký không phải là người con của quê hương Phan Thiết, song sống và làm việc ở Bình Thuận nhiều năm, anh cũng đã nặng lòng với mảnh đất này. Tình yêu với đất và người Bình Thuận đã đưa anh đến với đề tài này và anh đã thật sự để tâm, trí của mình rất nhiều tháng cho bút ký, để bút ký ra mắt bạn đọc tháng 8 vừa qua.

Và thêm một lần, tôi yêu đất và người Phan Thiết, Bình Thuận quê tôi qua bút ký Thăng trầm nước mắm Phan Thiết!

Mỹ Thành



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân đọc bút ký: “Thăng trầm nước mắm Phan Thiết”: Nghĩ về Phan Thiết xưa và nghề nước mắm