Theo dõi trên

Nhiều vụ cháy tàu cá do chập điện

12/04/2017, 09:30

BT- Những tháng đầu năm, đã có khá nhiều tàu, thuyền của ngư dân Phú Quý gặp nạn trên biển dẫn đến chìm tàu. Đáng quan tâm phần lớn nguyên nhân dẫn đến chìm tàu là do cháy. Mặc dù không có thương vong về người nhưng gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Trong quý I, Phú Quý xảy ra 5 trường hợp tai nạn trên biển làm đắm tàu đang hoạt động khai thác hải sản. Nhờ được cứu vớt kịp thời nên không có thiệt hại về người, tuy nhiên đã gây thiệt hại về tài sản trị giá hơn 21 tỷ đồng. Điển hình vụ cháy tàu cá BTh 97409TS, công suất 823 CV, hành nghề thu mua hải sản của ông Phạm Thướng, thôn Quý Hải, xã Long Hải. Ngày 14/3, khi tàu đang khai thác hải sản trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thì bị chập điện dưới buồng máy dẫn đến cháy. Toàn bộ 6 thuyền viên trên tàu đã được một tàu Hải quân cứu vớt an toàn, tuy nhiên vụ cháy đã khiến tàu chìm hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng. Trước đó, cũng trong tháng 3, tàu cá BTh 97111TS, công suất 823 CV, hành nghề vây rút chì của ông Trương Minh Trạng, thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng trong khi hành nghề trên biển cũng bị cháy dẫn đến chìm tàu. Các thuyền viên trên tàu được tàu cá BTh 97513 TS cứu nạn và đưa về đảo an toàn, nhưng ước thiệt hại về tài sản của vụ cháy lên đến 12 tỷ đồng...

Hiện nay, Phú Quý đang đẩy mạnh nâng cao năng lực tàu, thuyền đánh bắt và thu mua hải sản xa bờ để phát triển ngành kinh tế biển. Do đó các tàu, thuyền công suất nhỏ dần được thay thế bằng tàu, thuyền công suất lớn. Theo thống kê, trong tổng số 1.375 tàu, thuyền của huyện thì có gần 500 chiếc có công suất lớn (trên 90 CV) hoạt động khai thác và thu mua chế biến hải sản trên biển. Việc vươn khơi cùng tàu, thuyền công suất lớn giúp ngư dân bám biển xa dài ngày hơn, rủi ro tai nạn do thời tiết cũng được giảm thiểu, tuy nhiên tình trạng cháy nổ lại có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu của hầu hết các vụ cháy được xác định do chập điện. Theo một số ngư dân thường xuyên đi biển, hệ thống điện ở buồng máy của các tàu, thuyền hiện nay chưa bảo đảm an toàn. Tại đây dây điện được đấu nối chằng chịt, cùng với môi trường biển mặn dễ dẫn đến mục phần vỏ làm hở phần lõi, gây chập điện đánh lửa. Trong khi đó, hầm máy thường là môi trường nhiều dầu, nhớt, lại kín nên khi có nguồn cháy, ngọn lửa sẽ bùng phát và nhanh chóng lan ra xung quanh. Khi bùng cháy thì việc dập lửa tại khu vực này rất khó khăn vì buồng máy chật hẹp, lửa lớn cộng khói nhiều khiến mọi người không dám vào để dập lửa. Bên cạnh đó, nhiều tàu thuyền thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. 

Để phòng tránh nguy cơ gây cháy trên các tàu thuyền, ngư dân cần thường xuyên kiểm tra để thay thế hoặc sửa chữa hệ thống dây điện có dấu hiệu bị hư hỏng; vệ sinh buồng máy thông thoáng; trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, để khi có tình huống xảy ra kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.  

 Trần Đình



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều vụ cháy tàu cá do chập điện