Theo dõi trên

Nhịp gùi trên non

15/01/2021, 08:30 - Lượt đọc: 60

BT - Không ai biết chiếc gùi đã có mặt trong đời sống của đồng bào các dân tộc K’ho, Raglai… đang sinh sống tại các xã vùng cao, miền núi từ bao giờ. Chỉ biết rằng, bao đời nay, chiếc gùi gắn bó, chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, chứng kiến những niềm vui được mùa của bà con. Gùi đã trở thành nét văn hóa riêng của bà con trên bản làng vùng cao. 

                
Ảnh: Ngọc Lân

Ðung đưa nhịp gùi

Ngược lên vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi dừng chân ở thôn 3, xã La Dạ, nơi đây có trên 90% là người dân tộc K’ho sinh sống. Không hẹn trước nhưng may thay chúng tôi vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với nhịp gùi đang đung đưa, nghiêng mình trên những triền đồi đầy nắng. Từ những trái bắp, củ sắn, hạt lúa, nắm rau cho đến thanh củi... tất cả đều ở trong chiếc gùi trên lưng theo chân họ vượt núi rừng về nhà.

Gùi là một công cụ đóng vai trò quan trọng và là thứ không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi miền cao này. Chị Bờ Đam Thị Sam (thôn 3, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Chiếc gùi không biết có từ khi nào, chỉ nhớ rằng khi còn bé, mỗi lần lên nương, mẹ bỏ tôi vào trong cái gùi mang theo. Đến khi lớn, bố đã làm cho tôi một cái gùi phục vụ cho việc đi nương rẫy. Chiếc gùi gần gũi với tôi như đôi dép ở chân hay chiếc nón đội trên đầu vậy.

Ngày nay, cuộc sống của người K’ho trên địa bàn xã La Dạ đã có nhiều thay đổi. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế ngày càng trở nên khấm khá. Có nhiều gia đình đã mua xe máy, máy kéo để phục vụ cho việc sản xuất. Tuy nhiên đối với nhiều người phụ nữ nơi đây khi lên nương, lên rẫy, chiếc gùi vẫn là vật dụng lao động được lựa chọn. “Chiếc gùi như một người bạn tâm giao, chia sẻ mọi niềm vui, khó nhọc trong cuộc sống. Chiếc gùi giúp cuộc sống của những người phụ nữ K’ho như tôi bớt khó khăn, nặng nhọc”, chị K’ Thị Hảnh (thôn 3, xã La Dạ) nói. 

Nét văn hóa riêng cần giữ gìn

Giờ ở vùng cao, tìm được chiếc gùi thì không khó, bởi hầu như nhà nào cũng phải có, ít nhất cũng phải từ 2 cái trở lên. Nhưng để tìm được người làm gùi thì có lẽ không đơn giản chút nào. Men theo con đường nhỏ, chúng tôi được trưởng thôn 3, xã La Dạ là anh Lê Thái Lâm dẫn đến nhà già K’Ba, người đan gùi giỏi lâu năm của vùng. Già K’Ba năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông biết đan gùi từ khi còn nhỏ. Ông học từ cha, có thể gọi là nghề cha truyền con nối, bởi nếu tính từ đời ông trở về trước hầu như gia đình ông ai cũng biết làm. Hiện tại thì ông K’ Ba là một trong số ít người của thôn 3, xã La Dạ này còn giữ nghề đan gùi. “Trước đây, những chiếc gùi thường được làm vào mùa nắng, đây là mùa rảnh rang, mùa mưa họ tập trung cho cái nương, cái rẫy, tập trung cho cây lúa cây bắp của họ. Và mùa nắng, họ sẽ vào rừng, chặt mây, tre, lồ ô về, vót cho thật mỏng, tạo thành những sợi mây thật dẻo và đan thành những chiếc gùi, nhỏ hay to tùy theo ý muốn và phụ thuộc vào công dụng của nó khi hoàn thành. Ngày nay, những người đan gùi chủ yếu là những người già, họ không còn sức để lên nương, lên rẫy. Họ ở nhà đan gùi kiếm được đồng nào hay đồng ấy và có thể làm bất cứ thời gian nào”, già K’Ba chia sẻ.

Đưa chúng tôi lên thăm nhà sàn của ông, căn nhà sàn được ông làm cách đây 5 năm, diện tích khoảng 30 m2. Hướng mắt nhìn lên mái nhà sàn phía trên bếp lửa có rất nhiều chiếc gùi lớn, nhỏ đủ kích cỡ. Đi vào câu chuyện, già K’Ba cho biết: Để có một chiếc gùi đẹp và bền chắc, phải trải qua nhiều công đoạn thực hiện. Có thể chia thành 3 phần, đó là phần đế được làm thân cây gỗ, vót mỏng, dẻo, thường thì cây cóc rừng, một số người còn sử dụng tre để làm. Phần thân được cấu kết bởi cây lồ ô được vót mỏng thành sợi. Trên miệng gùi và dây mang được làm bằng những sợi mây giúp cho gùi dẻo, không bị gãy. Dây gùi cũng là một phần quan trọng do đó cần phải làm thật dẻo và chắc bền, giúp cho việc mang dễ dàng hơn. “Không biết nghề đan gùi còn giữ được nữa hay không, nhưng 5 người con với hơn chục cháu của tôi không ai có thể làm được, bởi tất cả không chịu học”, già K’Ba buồn rầu cho biết. 

Nắng chiều buông xuống, chia tay già K’ Ba, tôi mang theo những tâm tư, suy nghĩ của ông, bản thân tôi cũng thật sự tiếc bởi nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, thứ mà đã góp phần vận chuyển hàng hóa, góp phần làm thay đổi cuộc sống vùng cao lại ngày một lùi dần về quá khứ. Có nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng việc khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ bây giờ là điều nên làm, nếu không chiếc gùi của đồng bào K’ho ở La Dạ sẽ ngày một mất đi trong sự tiếc nuối của đồng bào vùng cao.

NGỌC DIỆP



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhịp gùi trên non