Theo dõi trên

Nhớ lại trận lũ ở La Gi cách đây 20 năm

02/08/2019, 10:41

BT- Trong ký ức tôi còn mãi ám ảnh cảnh lũ quét kinh hoàng ở thị xã La Gi vào cuối tháng 7/1999. Tôi lúc ấy với tư cách Văn phòng đại diện Báo Bình Thuận tại Hàm Tân, chỉ kịp đưa 1 tin ngắn dè dặt: “Thị trấn La Gi bị ngập nặng” và đã đi ngay trang 1 của báo. Từ giữa đêm 29 nước ở khu vực thị trấn La Gi (nay là các phường Phước Hội, Phước Lộc) và bên kia tả ngạn Sông Dinh (xã Tân Bình) nước đột ngột dâng cao, chảy mạnh một cách khác thường. Nhà cửa bị nước ngập cả thước, còn nhà ven sông phải lót vội sàn gác hay bắc ván trên rường nhà mới chứa đủ gia đình. Khu chợ cá biển, Phước Lộc tiếng kêu la vọng ra cửa biển nghe thảm thê suốt cả đêm. Các con đường nội thị bị ngập sâu trong mưa dai dẳng làm đảo lộn mọi sinh hoạt chưa từng có.

                
Tin được đăng trên Báo Bình Thuận chủ nhật.

Những người sống từ xưa ở địa phương kể lại, trước 1954 La Gi thuộc vùng kháng chiến chống Pháp, có trận lũ lớn nhất trong đời mà họ còn nhớ mãi gọi đó là trận lụt Nhâm Thìn (1952). Cũng mực nước cao như thế này kéo dài đến 3, 4 ngày, nhưng dân cư hồi đó thưa thớt nên không có mấy thiệt hại.

Thời gian diễn ra trận lũ, La Gi chỉ là 1 thị trấn của huyện Hàm Tân. Nhưng trong vụ lũ có 8/10 xã và thị trấn La Gi bị ảnh hưởng. Chủ yếu nước từ sông Dinh là con sông lớn nhất của huyện, phát nguồn từ núi Ông (Tánh Linh), chảy qua địa phận huyện Hàm Tân dài 46 km. Khi nguồn lũ đổ xuống, xã Tân Minh ở địa đầu nhưng La Gi chỉ biết từ sau nhiều giờ, nên rất bất ngờ. Những thiệt hại phải coi là tất yếu. Hơn nữa với chủ quan không ai nghĩ ở vùng đất này lại có lũ lụt dữ dội như vậy. Cơn lũ mang theo những thân cây rừng cuồn cuộn như thác đổ, tạo nên sức tàn phá khủng khiếp. Cùng một lúc 4 cây cầu bắc qua sông Dinh đều bị quét sập. Cầu bê tông Láng Gòn sập 1 nhịp, cầu bê tông Tân Lý (nối Phước Hội với Bình Tân) sập trọn 3 nhịp, 2 cầu sắt Phước An và Đá Dựng bị nước cuốn gọn, dạt khung sắt vào mép bờ. Khu vực chợ cá biển kéo dài đến khu 3 Phước Lộc trong cảnh nhốn nháo, thảm thiết khi có đến 75 thuyền máy bị nhận chìm và khoảng trên 250 chiếc bị đứt neo, va đập nhau hư hỏng nặng, trôi tự do ra cửa biển và coi như cả gia tài ít ỏi, tạm bợ của đa số ngư dân cũng trôi theo. Vùng nông thôn ven bờ sông Dinh là Tân Xuân, Phước An (Tân An), Tân Lý (Tân Bình) ruộng gieo mất trắng gần 2.000 ha và trên 3.300 ha hoa màu... Đau nhất là ngay giờ đầu trận lũ đã báo tin người chết theo thuyền có 14 ngư dân và 13 người mất tích. Lúc này toàn huyện có 1.282 thuyền máy với công suất 50.859 Cv, chiếm gần 27% năng lực tàu thuyền của huyện, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân ở địa phương chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Đây cũng là trận lũ lớn nhất nước trong năm 1999 nên được sự quan tâm từ Trung ương, chính quyền và các lực lượng cứu trợ nhân đạo rất nhanh chóng. Quân khu 7 tăng cường cho máy bay quần đảo để thị sát tình hình và sau này cho huyện mượn 1 cây cầu khung thép dã chiến thay cầu Đá Dựng để sử dụng, mãi hơn 10 năm sau mới xây thay thế. Có gặp gian khó mới thắm thía được cái nghĩa tình người. Tin qua Đài HTV TP. Hồ Chí Minh, bà con tiểu thương chợ An Đông từng gắn bó với “bạn hàng” La Gi, tự động quyên góp và có mặt khá sớm. Sân trụ sở ủy ban huyện rộng trên 1 ha đã biến thành bãi đậu kín xe chở hàng cứu trợ từ thành phố và một số tỉnh đổ về. Tôi còn nhớ như in hình ảnh 3 thanh niên nam nữ khoảng tuổi dưới 30 đến ủy ban huyện, tự giới thiệu mình là đại diện nhóm sinh viên Việt du học nước ngoài, nghe lũ lụt muốn tham gia cứu trợ. Họ xin cung cấp danh sách đối tượng và hứa ngày hôm sau quay trở lại. Anh Huỳnh Công Ly, Phó Chủ tịch huyện nóng lòng vì chờ đợi mãi cả buổi sáng rồi, sẽ không biết báo lại cho gần 200 bà con ở Tân Bình sao đây. Tức thời, dù cơn mưa suốt sáng chưa dứt, thì 2 bạn trẻ đội áo mưa vào với 1 ba lô tiền mặt đã chuẩn bị sẵn từng phong bì 150.000 đồng… phân trần là phải ra Phan Thiết mới đổi được tiền đô, rồi phóng xe honda vào ngay nhưng xe bị trục trặc. Đến khi xong việc, bộ phận tiếp nhận mãi xin danh tánh để ghi vào thư cám ơn cũng phải thuyết phục lắm mới được… Đây là một hình ảnh khá đặc biệt mà trong hàng trăm đoàn cứu trợ đến La Gi tôi đã gặp. Cũng từ “hoạn nạn” này, La Gi ngày nay có một khu phố 187 hộ khang trang, đường Trương Định tráng nhựa ra đời từ một khu tái định cư dành cho dân ở thôn Tân Lý trong cảnh nhà cửa bị lũ cuốn trôi, nay nằm kề khu du lịch Đồi Dương đã trở thành khu đất vàng đắt giá nhất thị xã.

Với thời tiết càng về sau này, hầu như không còn mấy ai nghĩ đến sẽ gặp lại cảnh lũ lụt như cách đây 20 năm qua. Nhưng nỗi lo hiện nay là sau những cơn mưa lớn, nhất là địa bàn Phước Hội, Phước Lộc phải đối mặt với cơn lụt “cục bộ” do nước từ các khu lân cận nhưng thiếu đường thoát chảy ra biển. Dưới mắt của những lão nông địa phương với những bộc bạch có lý, Hồ Tôm là một cái đầm lầy ngày xưa rộng cả ngàn mẫu, cạnh bờ biển Phước Lộc, coi như chiếc phễu tích giữ nguồn nước từ đồng ruộng Tân An, Tân Phước, Tân Thiện đổ về và điều tiết ra biển khi thủy triều xuống. Với sự cân bằng tự nhiên đó thì làm sao những con đường phố La Gi bị ngập nước. Nhưng có ai nghĩ đến với một khu tái định cư cho dân bị triều cường Phước Lộc, rồi khu nghỉ dưỡng cao cấp nay mai sẽ lấp đất nâng nền tạo ra 1 đập chắn dòng chảy ra biển, dù giải pháp nào cũng thấy khó tin. Tôi còn nhớ, cách cầu Tân Lý phía trên 200m bờ hữu ngạn, ngày xưa có con rạch chảy xuyên qua bàu nước, nay gọi là xóm Giang Đà, tiếp đến cạnh đường Thống Nhất ngang đường vào nhà thờ Thanh Xuân rồi trổ ra sông Dinh. Nhưng sau ngày giải phóng mấy năm, khu đầm lầy của dòng chảy đó được san lấp để bán nền, xây dựng khu phố hoành tráng trên con đường 23/4 ngày nay. Không biết lúc đó kỹ sư tính toán thế nào mà thay một đoạn con rạch này bằng ống cống bê tông với đường kính chưa thể cao đến 1 m. Đây cũng là cảnh báo cho 20, 30 năm sau khi dự án dân cư bờ đông sông Dinh, trung tâm đô thị La Gi -N4 ở cánh đồng Tân Thiện hình thành có bị động tình trạng này không. La Gi không còn sợ lũ quét nữa mà phải lo âu về “lụt”, mà lụt bây giờ là vấn đề môi trường vệ sinh, là mỹ quan đô thị… Điều đáng liên hệ, càng về trước đã thấy trung tâm đô thị của La Gi chưa bao giờ có tình trạng ngập nước như hiện nay, không thể đổ hết cho tốc độ nhà ở phát triển nhanh hay do trình độ quản lý xây dựng mà với nhà quy hoạch đô thị cần nhận ra một cách đầy đủ về yếu tố cảnh quan, môi trường, địa hình… sao cho phù hợp.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ lại trận lũ ở La Gi cách đây 20 năm