Theo dõi trên

Nỗi lo triều cường, sạt lở vùng ven biển

28/10/2020, 09:15 - Lượt đọc: 336

BT- Nhiều năm qua, các “điểm đen” về triều cường, sạt lở bờ biển vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra sớm và phức tạp hơn. Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, các vùng ven biển tại huyện Tuy Phong và TP. Phan Thiết bị sạt lở nặng nề, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới…

                
   Khắc phục sạt lở tại biển Đồi Dương.

Nhiều điểm sạt lở

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng liên tiếp của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão số 6, 7, 8, 9; tại các khu vực ven biển của huyện Tuy Phong đã bị sóng to, gió mạnh kết hợp triều cường đánh liên tục vào bờ làm sạt lở, uy hiếp nghiêm trọng đến khu dân cư thôn 3, xã Phước Thể và khu vực hàng dương của xã Bình Thạnh. Theo ghi nhận, dọc ven biển thôn 1, xã Bình Thạnh, đã có hơn 1.000 m bờ biển bị sạt lở. Đây là đoạn tiếp giáp đoạn kè kiên cố được đầu tư hoàn thành năm 2012 chạy theo trục đường ĐT 716 hướng về xã Chí Công. Sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 20 - 30m, có những đoạn chỉ còn cách mép đường ĐT 716 khoảng 2-5m. Còn hiện trạng dọc bờ biển khu vực thôn 3, xã Phước Thể đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 300 m (vị trí tiếp giáp đoạn cuối kè kiên cố về xã Vĩnh Hảo). Hiện nay, sạt lở bờ biển đã và đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, biển lấn sâu vào đất liền khoảng 15 m, sát vách nhà dân đang sinh sống.

Còn tại TP. Phan Thiết, chỉ tính từ giữa tháng 10/2020 đến nay đã có 2 đợt gió mạnh, làm sạt lở kè ở Hàm Tiến và Đồi Dương - Thương Chánh. Trong đó, mới đây nhất là trong đêm 21/10, sóng đánh mạnh làm sụp mặt kè, đường kết hợp giao thông, chỗ rộng nhất dài gần 20 m, rộng 5m và đang có nguy cơ sạt lở thêm… 

Khắc phục và cảnh báo ứng phó

Trước hậu quả do sạt lở bờ biển gây ra, hiện nay UBND 2 xã Bình Thạnh và Phước Thể đã cử cán bộ theo dõi liên tục tình hình sạt lở để xử lý kịp thời. Mặt khác, huy động 100 người gồm lực lượng cán bộ, viên chức, quân sự, công an, biên phòng và người dân cùng tham gia đóng cọc, gia cố bằng bao tải cát tạm thời. Song song, chống sạt lở ở những khu vực nguy hiểm, sát nhà dân, đổ đá loca khu vực nghiêm trọng tuyến ĐT 716. Riêng tại bờ kè Đồi Dương - Thương Chánh, các đơn vị chức năng đã kiểm tra hiện trường và xử lý tạm thời bằng cách đổ cát, rọ thép. Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết: Song song việc khắc phục hậu quả do sạt lở biển vừa qua, người dân cần chủ động đối phó những đợt triều cường tiếp theo. Đặc biệt, tới đây nguy cơ sạt lở, hư hỏng tuyến đường ĐT 716 và kè biển vẫn còn tiếp diễn trầm trọng hơn, nếu gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường đánh mạnh liên tiếp vào bờ. Nhất là từ chiều 27/10 đến ngày 29/10, Bình Thuận chịu ảnh hưởng chủ yếu của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 vĩ độ Bắc nối với cơn bão số 9, kết hợp trường gió tây nam hoạt động có cường độ mạnh. Do đó, khu vực ngoài khơi vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có mưa rào và dông mạnh, gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh. Sóng biển cao trung bình 2 - 4 m…

Về giải pháp khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Tuy Phong kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình tuyến đường ĐT 716, tại xã Bình Thạnh và thôn 3, xã Phước Thể. Qua đó, tham mưu giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư. Ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí để triển khai đầu tư xây dựng kè tạm bằng rọ thép, xếp đá loca bên trong để khắc phục sạt lở tại khu vực ven biển trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng kè kiên cố bảo vệ bờ biển tại khu vực này.

Triều cường, sạt lở bờ biển - nỗi lo bao giờ mới dứt đối với người dân ven biển Bình Thuận?

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo triều cường, sạt lở vùng ven biển