Theo dõi trên

Nước mắt người nuôi lợn

26/08/2019, 08:36

BT- Tại 2 vùng chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh là huyện Đức Linh và Tánh Linh số lợn chết đã lên đến 29.900 con nhưng tình hình vẫn chưa yên, bảo vệ đàn lợn còn lại đã khó, tái đàn càng khó hơn cần tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào vòng luẩn quẩn.

                
Phun thuốc tiêu độc khử trùng người và    phương tiện phòng dịch tả lợn.

 Người dân khóc ròng…

 “Những con lợn nặng đến 200 kg khệ nệ nhiều người khiêng, có khi chỉ một con lợn nái đã chất đầy một xe tải nhỏ. Lợn chết nằm đầy những ô chuồng, những con lợn còn sống phải chích điện đem đi chôn như một nỗi ám ảnh…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tú trải lòng. Trước đây, chưa bao giờ người nuôi lợn cũng như chính quyền địa phương lâm vào tình cảnh này. Chưa kể, những ngày qua thời tiết mưa nhiều việc tiêu hủy lợn càng thêm vất vả không chỉ cán bộ thú y, cán bộ địa chính, đội xung kích… đến lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã ai cũng phải xắn tay áo, túc trực tập trung cho công việc chống dịch. Mỗi một ổ dịch phát hiện lại nghe tiếng thở dài, những giọt nước mắt nghẹn ngào của người dân…

Còn nhớ ổ dịch đầu tiên phát hiện ngày 5/6 ở hộ ông Lý Văn Hương - thôn 1 xã Đức Chính với quy mô đàn lên đến 759 con là một ví dụ điển hình câu chuyện thực tế đầy nước mắt của người nuôi lợn. Ông Hương có tiếng về kinh nghiệm nuôi lợn, đàn lợn của ông đa phần có giá trị, lợn nái giá trị lên đến 150 triệu đồng/con. Ông đã tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh dịch tả lợn châu Phi từ rất sớm và hiểu đây là bệnh chưa có vắc xin điều trị. Vì vậy, không có cách nào ngăn bệnh ngoài biện pháp áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Những loại thuốc tiêm phòng cho lợn đều được ông chủ động đặt mua từ nước ngoài về, nhiều loại rất đắt tiền để phòng ngừa. Công nhân trang trại cũng tuân thủ quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thuốc sát trùng phun thường xuyên đến ướt đẫm cả người… Biện pháp gì phòng ngừa ông đều làm hết. Ấy vậy mà dịch vẫn xâm nhiễm ông không lường trước được. Sau trang trại ông Hương, những đàn lợn vài trăm con ở Đức Linh cũng lần lượt dính dịch tả. Tại xã Đức Tín 2 hộ có đàn lợn lớn nhất xã từ 700 con cũng không thể chống chọi được với dịch. Giờ đây ông Nguyễn Thanh Hùng còn buồn xo khi nghĩ đến đàn lợn. Mọi nỗ lực cầm cự giữ đàn lợn như dùng lưới bọc xung quanh trang trại ngăn ruồi muỗi, côn trùng truyền dịch bệnh. Bản thân ông cùng với người làm ăn ngủ luôn trong trại. Gia đình, họ hàng muốn gặp thì gọi ông chạy về chứ dứt khoát không cho vô thăm ở trại. Ai cũng bảo ông Hùng chăm lợn kỹ nhất xã nhưng rồi thành công cốc khi đàn lợn vẫn không thoát dịch. Hầu hết các trang trại nuôi tập trung họ đều là người dạn dày kinh nghiệm, tuân thủ quy trình phòng bệnh bảo vệ đàn lợn. Thế nhưng ngay cả những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng bó tay và trắng tay vì dịch tả. Ban đầu với kinh nghiệm chăn nuôi và khả năng lo vốn của mình các trang trại có thể bình tĩnh hơn những người nuôi nhỏ lẻ. Và họ đã dốc sức người sức của phòng dịch để giữ đàn lợn. Nhưng rồi cũng… khóc ròng vì chi phí phòng dịch phát sinh bỏ ra cho đàn lợn lớn, xuất bán lợn khó khăn, không may lợn chết như trang trại của ông Hương ở xã Đức Chính; ông Tuấn, ông Hùng xã Đức Tín tổn thất lớn gấp bội.

Lo dịch xâm nhiễm vùng nuôi lợn tập trung

Sau hơn 2 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi, huyện Đức Linh có 11/13 xã công bố dịch với tổng số lợn tiêu hủy lên đến 26.911 con của 1.141 hộ chăn nuôi với trọng lượng lớn trên 1.801 tấn, chiếm 88,7% số lợn tiêu hủy toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc khống chế dịch không mấy khả quan khi số lợn chết mỗi ngày chưa dừng lại. Làm sao để bảo vệ đàn lợn còn lại của huyện với khoảng 77.158 con là một bài toán nan giải… Còn ở Tánh Linh với 10/14 xã đã công bố dịch, số đàn lợn còn lại khoảng 15.300 con. Ông Huỳnh Văn Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: “Việc cần làm bây giờ địa phương xác định tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Mục tiêu là phải quyết liệt khống chế, khoanh vùng dịch xã Đông Hà không để lây lan ra 2 xã còn lại chưa có dịch của huyện là Trà Tân, Tân Hà. Đây là 3 xã có đàn lợn trên 46.880 con chiếm đến 60% tổng đàn lợn còn lại của huyện, đa số là chăn nuôi tâp trung”. Hai huyện Đức Linh, Tánh Linh đang “căng mình” tập trung củng cố đội ngũ thú y cơ sở, trang bị chuyên môn nhằm hỗ trợ giúp người chăn nuôi thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cũng như kiểm soát chặt các lò giết mổ nhỏ lẻ và nắm tình hình dịch để kịp thời phối hợp xử lý. Đồng thời thường xuyên tiêu độc khử trùng, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình xử lý tiêu hủy lợn bệnh…

                
      
Những con lợn còn sống phải đem đi tiêu    hủy, hộ nuôi lợn tập trung tổn thất còn lớn hơn rất nhiều.

 Rút kinh nghiệm gì từ đại dịch ?

Trong khi Hàm Thuận Bắc, La Gi dịch tả lợn châu Phi đã được kềm chế thì tại 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, dịch bệnh tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc rút ra kinh nghiệm gì từ trận đại dịch này để có thể “lau nước mắt” giúp người dân thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ và biết cách phòng chống dịch tốt hơn trong thời gian tới là điều cần thiết định hướng cho người chăn nuôi bảo vệ đàn lợn trong vòng vây của dịch. Trước viễn cảnh trước mắt trắng tay vì lợn bệnh, trắng tay về kinh nghiệm ứng phó một số vùng dịch nhắc nhở người nuôi cần phải thận trọng trong việc tái đàn. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi “sức hút” giá lợn hơi đang hồi phục tốt đang giữ ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg. Nhiều khả năng, giá lợn sẽ tiếp tục tăng lên mốc 50.000 đồng/kg trong thời gian tới khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Phát triển đàn lợn rất cần những trang trại chăn nuôi lớn, nhưng sau những tổn thất này chưa ai dám nghĩ đến chuyện tái đàn và yên tâm tái đàn. Riêng đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, những lo âu vẫn còn đó khi người nuôi đang chờ tiền hỗ trợ và sẽ nuôi lại với tập quán cũ, gần như không có giải pháp phòng dịch đúng khoa học, diễn biến dịch đang phức tạp như hiện nay, làm thế nào để giữ an toàn cho đàn lợn khi tái đàn? Đây là câu hỏi lớn mà địa phương khi xây dựng phương án, kế hoạch tái đàn thời gian tới không thể xem nhẹ.

    
    Kể từ khi   phát hiện tại Việt Nam (đầu tháng 2/2019), đến nay, dịch tả lợn châu Phi   đã “càn quét” ở 6.500 xã thuộc tại của 62 tỉnh, thành phố với tổng số   lợn bị tiêu hủy hơn 4 triệu con. Ninh Thuận là tỉnh duy nhất đến nay   chưa xuất hiện loại dịch bệnh nguy hiểm trên.

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt người nuôi lợn