Theo dõi trên

Nước mắt… thú rừng

03/04/2017, 08:23

Bài 2: Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt

BT- Con sóc đau đớn oằn mình cố gắng thoát khỏi cái lồng nhỏ bé, bụng nó đã bị thương rỉ máu, ánh mắt sợ sệt, run bắn khi có người lại gần… Nó là sản phẩm mà một quán nhậu ở Đức Linh đã đặt hàng trước đó ít ngày.

Hoạt động ngầm

Vờ hỏi mua vài ký thịt có sẵn, bà Nhàn dẫn chúng tôi vào nhà. Trong nhà người phụ nữ này có khá nhiều tủ đông lạnh chứa các loại thịt rừng như heo, nai, voọc... đã làm sẵn. Phía sau nhà có nhiều lồng lớn, nhỏ để nhốt thú. Có một chú sóc dễ thương đang đau đớn oằn mình cố gắng thoát khỏi cái lồng nhỏ bé, bụng nó đã bị thương rỉ máu, ánh mắt sợ sệt, run bắn khi có người lại gần. Thấy chúng tôi rảo mắt khắp nhà, bà Nhàn tiếp thị rành mạch: “Hôm qua vừa bán sạch mấy con sóc, nhím, rắn… còn con sóc này lát “thịt” luôn để chiều giao cho khách, đừng có đụng vào nó cắn đó. Hàng quý hiếm như rắn hổ mang, hổ chúa, kỳ đà, cù lần… vừa tập kết về là có người tới lấy liền, tui không dám để trong nhà. Tuần trước, có nhóm thợ săn bắt được một con heo rừng còn sống hơn 30kg, tui thu rồi bán lẻ giá 200.000 đồng/kg heo hơi. Heo rừng hung lắm nên việc giết và xẻ thịt rất khó khăn, cho nên tùy tình trạng của thú rừng mà giá cũng khác nhau”. Vừa nói chuyện với chúng tôi, nhưng điện thoại của bà Nhàn reo liên tục, nghe cuộc trò chuyện của người phụ nữ này, chúng tôi biết có người đang đặt hàng chồn.

Được biết, bà Nhàn đã có hơn 20 năm trong nghề thu mua thú rừng và những đơn hàng được các nhà hàng, quán nhậu khắp nơi dặn liên tục. Chúng tôi vờ hỏi thăm có khi nào kiểm lâm đến đột xuất, thì bà Nhàn nở nụ cười thong thả: “Phải có “bảo kê” chứ mấy anh, họ “lơ” cho mình hoạt động, khi nào có đoàn kiểm tra của huyện sẽ được báo trước”. Rời khỏi nhà bà Nhàn, nhưng ánh mắt thảm thiết của chú sóc và vết thương rỉ máu đã ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường dài đi tìm lại môi trường sống cho chúng, khi việc săn bắt thú rừng nơi hai huyện miền núi Tánh Linh, Đức Linh dường như trở thành công việc quen thuộc của nhiều người.

 Cần chế tài nghiêm khắc

Sự tác động của con người đã làm diện tích rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp, độ che phủ rừng giảm, sinh cảnh rừng thay đổi, thêm với nạn săn bắt động vật bừa bãi đã đe dọa đến sự đa dạng sinh học, cũng như sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã. Không ít loài thú quý hiếm bị săn bắn quá mức đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Nhiều khu rừng rậm nguyên sinh ở Tánh Linh, Đức Linh trước đây có những đàn động vật với số lượng lớn nay đã giảm đến mức lo ngại, trong đó nhiều loài có nguy cơ bị xóa sổ. Nguyên nhân xuất phát từ nạn săn bắt thú rừng trái phép diễn ra khá phức tạp trong những năm gần đây tại các địa phương này.

Các loài thú thường xuyên bị săn bắt với mục đích thương mại nhiều nhất là các loài rắn, rùa, nhím, heo rừng... và việc buôn bán, tiêu thụ thịt thú rừng đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Sự tận diệt thú rừng và sự tiếp tay tiêu thụ của các nhà hàng, quán ăn khiến nhiều động vật hoang dã đang trên bờ tuyệt chủng. Đó là chưa kể đường dây ngầm buôn bán thú rừng quy mô lớn từ tỉnh này qua tỉnh khác. Thực tế, số vụ tiêu thụ động vật hoang dã đã bị các cơ quan chặn đứng chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Theo tiết lộ của nhiều điểm thu mua thú rừng, thịt rừng luôn “sốt” giá vì giới làm ăn quan niệm ăn thịt rừng để lấy... hên, thêm vào đó ăn thịt rừng bổ, ngon miệng. Việc nhiều cơ sở công khai tiêu thụ thịt thú rừng ở một số địa phương đã cho thấy sự dễ dãi, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng và sự coi thường pháp luật của người dân. Hầu hết các nhà hàng, quán nhậu buôn bán thú rừng đều thực hiện cam kết không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng thực tế không ít nhà hàng đã “bổ sung” thịt rừng vào thực đơn phục vụ nhu cầu của “thượng đế”.

Thời gian qua, Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản tăng cường trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân không được tổ chức săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Nếu vi phạm, coi đó là hành vi tiếp tay cho các phần tử săn bắt thú rừng trái phép và sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng này trong thời gian qua chưa thực sự nghiêm khắc. Do đó, nhiều người nói vui rằng động vật quý hiếm nên cũng rất hiếm những vụ bị phát hiện, xử phạt!

    
    Luật Bảo   vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định: Nghiêm cấm những hành vi săn,   bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. Nếu vi phạm sẽ bị   phạt tiền đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên có   thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.   Đặc biệt, người nào săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái   phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ   hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của   loài động vật đó thì bị phạt 50 triệu đồng và cải tạo không giam giữ đến   3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội trong trường   hợp có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; sử dụng công cụ hoặc phương   tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị   cấm; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng  thì phạt tù từ 2 - 7 năm.

Nhóm PV (Tên nhân vật đã được thay đổi)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt… thú rừng