Theo dõi trên

Nuôi lươn thương phẩm ở Bình Thạnh

19/06/2018, 08:46

BT- Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Thạnh (Tuy Phong) phát triển đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn môi trường và an sinh xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận trong việc thực hiện mô hình trên địa bàn xã, mà nuôi lươn thương phẩm là một điển hình.

Bình Thạnh là xã ven biển thuộc huyện Tuy Phong, với chiều dài bờ biển 17 km, không có sông ngòi nên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, canh tác nông nghiệp không ổn định. Đây cũng là một trong những xã được huyện Tuy Phong chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Do đó, từ nguồn vốn quốc gia về chương trình này, vừa qua Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm tại xã Bình Thạnh và đạt kết quả khả quan.

Để triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phong phối hợp với UBND xã Bình Thạnh lập kế hoạch khảo sát và chọn hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Tịnh và hộ ông Nguyễn Hữu Thoát để thực hiện mô hình. Bà Nguyễn Thị Mỹ Tịnh, đại diện hộ thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm cho biết: “Gia đình tôi triển khai nuôi lươn với diện tích 85 m2, mật độ 60 con/m2 với số lượng giống thả 5.100 con (25,5 triệu đồng).  Trong đó, định mức được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Sau khi nuôi, tỷ lệ sống đạt 82%, cỡ lươn 220g/con và sản lượng đạt 920 kg. Sau thời gian thực hiện từ tháng 7/2017 đến cuối tháng 2/2018, với giá bán 120.000 đồng/ kg, gia đình thu được trên 110 triệu đồng, trừ chi phí gần 84 triệu đồng, gồm giống, thức ăn (cám viên và cá biển), công chăm sóc… vẫn thu lợi nhuận xấp xỉ 27 triệu đồng”. Theo bà Tịnh, nuôi lươn thương phẩm đã giải quyết cho người lao động địa phương có việc làm ổn định, tận dụng thời gian nhàn rỗi, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Bà Tịnh cũng bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình cho nông ngư dân tại địa phương.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mục tiêu của mô hình là trở thành điểm đến cho bà con trong huyện đến học tập, tham quan, mở rộng sản xuất trong vùng. Qua đó, người dân nhận thấy vai trò quan trọng và trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng là cùng nhau bảo vệ môi trường, nuôi lươn phải theo hướng bền vững, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tiêu chí quan trọng là an toàn vốn, nhằm tái cơ cấu sản xuất và phát triển nghề nuôi lươn.

Còn theo cán bộ phụ trách mô hình, nuôi lươn thương phẩm là hướng đi cần thiết, giúp phát triển kinh tế hộ, tận dụng thời gian nhàn rỗi. Lưu ý, chuẩn bị bể nuôi là một trong những khâu quan trọng, quyết định hiệu quả, năng suất, nên phải cải tạo bể nuôi thật kỹ và thời gian phơi bể phải đủ lâu để diệt khuẩn. Mặt khác, cần phải kiểm soát dịch bệnh trên lươn giống kỹ trước khi đưa vào nuôi. Hạn chế sử dụng kháng sinh và thuốc hóa chất ngoài danh mục cho phép. Trong suốt thời vụ nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học là điều kiện tiên quyết để ổn định môi trường nuôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

    
    “Trong 6   tháng đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nghiệm thu,   hội thảo mô hình nuôi lươn thương phẩm với quy mô 190 m2 tại huyện Tuy   Phong và thị xã La Gi. Trong đó, tại xã Tân Phước - La Gi, quy mô: 85   m2, đạt năng suất 11,2 kg/m2. Còn tại xã Bình Thạnh - Tuy Phong với quy   mô 85 m2, năng suất 10,8 kg/m2…

Trung Lương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi lươn thương phẩm ở Bình Thạnh