Theo dõi trên

Ô nhiễm môi trường: Chuyện biết rồi, nói mãi...

13/02/2017, 08:32 - Lượt đọc: 47

BT- Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là ở tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều bất cập...

                
Cảnh nhếch nhác, lộn xộn, bụi ở một    cụm công nghiệp.

Thanh, kiểm tra thường xuyên

Năm qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 7 đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực môi trường đối với 93 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp tỉnh, cụ thể: 10 cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở (100 triệu đồng); 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển; 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 24 trang trại chăn nuôi heo; 6 dự án cao su; kiểm tra, lấy mẫu khí thải ống khói đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường 3 cơ sở chế biến bột cá; 30 cơ sở y tế, khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở khai thác, chế biến sa khoáng titan với tổng số tiền 1.380.000.000 đồng.

Đối với công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản: Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức 54 cuộc kiểm tra khoáng sản trái phép, phát hiện và xử lý 17 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 180 triệu đồng; chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi quyết định cho phép khai thác, tận dụng 3 khoáng sản không đúng thẩm quyền theo quy định, truy thu thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Lực lượng cảnh sát môi trường trong toàn tỉnh đã tiếp nhận và chủ động phát hiện 260 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường, mua bán trái phép động vật hoang dã, xử phạt với tổng số tiền 1.397.053.000 đồng; trong đó: Cấp tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 56 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền là 510.168.000 đồng; chuyển hồ sơ cho cơ quan khác xử phạt 21 vụ là 588.000.000 đồng. Cấp huyện đã kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 204 vụ với số tiền là 886.885.000 đồng; khởi tố 2 vụ huỷ hoại rừng. 

Vẫn còn vi phạm

 Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp được Chính phủ đồng ý chủ trương đưa vào danh mục các khu công nghiệp quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 3.000 ha, trong đó đất phục vụ sản xuất công nghiệp chiếm 2.014,4 ha. Trong đó: có 4 khu công nghiệp (Phan Thiết 1, Phan Thiết 2, Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2) đã có các doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động. Cả 4 khu công nghiệp đều có hệ hống thu gom, xử lý nước thải tập trung, gồm: khu công nghiệp Phan Thiết 1 (công suất 1.000 m3/ngày đêm), khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (công suất 2.000 m3/ngày đêm), khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 (công suất 2.500 m3/ngày đêm), riêng khu công nghiệp Phan Thiết 2 không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mà đấu nối nước thải vào trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Phan Thiết 1.

Đối với các cụm công nghiệp, toàn tỉnh quy hoạch 32 cụm công nghiệp, đến nay có 21/32 cụm công nghiệp được thành lập; trong đó 19 cụm công nghiệp thu hút trên 240 dự án đầu tư (có 115 dự án đầu tư và đi vào hoạt 4 động), giải quyết việc làm cho hơn 7.350 lao động tại địa phương. Trong tổng số 19 cụm công nghiệp đang hoạt động thì chỉ có 1 cụm công nghiệp chế biến nước mắm Phú Hài có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500 m3/ngày đêm và vận hành ổn định. Đối với các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường hoặc đầu tư các công trình xử lý chất thải còn chậm so với tiến độ hoạt động của các dự án. Trong năm 2016, còn 2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo thời gian được đề xuất (chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải):  Bãi rác Bình Tú – Công ty cổ phần môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận, khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết – Công ty cổ phần Xây lắp thủy sản Việt Nam. Có 3 cơ sở mới phát sinh: Bãi rác Hải Ninh – Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình, bãi rác huyện Tánh Linh – Ban Quản lý công trình công cộng huyện Tánh Linh và bãi rác thị xã La Gi – Ban Quản lý công trình công cộng thị xã La Gi...

Từ những thực trạng trên, trong năm 2017 này, mong các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những cơ sở, điểm vi phạm gây ô nhiễm môi trường, để lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực này.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường: Chuyện biết rồi, nói mãi...