Theo dõi trên

Phan Thiết: Thức ăn đường phố, nhìn từ góc độ quản lý

22/06/2018, 09:16

BT- Thức ăn đường phố không chỉ là nguồn kinh tế của người dân mà còn là nét văn hóa của từng vùng miền.

   Tại Phan Thiết theo một điều tra chưa đầy đủ, có gần 1.500 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (TAĐP)... với nhiều món ăn đa dạng, tạo nên nguồn thu cho người kinh doanh, cũng như đóng góp vào nguồn thu của tỉnh, qua thuế.  Tuy nhiên, thông qua các đợt kiểm tra của Phòng Y tế Phan Thiết cho thấy, đa số người kinh doanh TAĐP thường sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép, cũng chưa thật đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến… Từ đó, người tiêu dùng sẽ không tránh khỏi tình trạng ngộ độc thực phẩm, mặc dù chưa có số liệu thống kê rõ ràng về ngộ độc TAĐP.  Bên cạnh đó, theo phân cấp, phường, xã quản lý TAĐP  theo tiêu chí, nhưng công tác quản lý của từng xã, phường chưa được chặt chẽ, gần như không có cán bộ chuyên trách quản lý.  Do vậy, quản lý thức ăn đường phố tại Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng còn nhiều vấn đề đáng bàn.

                
Thức ăn đường phố tại Phan Thiết. Ảnh: Ngọc    Lân

 Ở góc độ  nào đó, có thể học tập Thái Lan trong quản lý thức ăn đường phố. Tại Thái Lan, TAĐP gần như là một sản phẩm du lịch, được quan tâm và phát triển, mang lại doanh thu đáng kể cho người dân, cũng như ngành du lịch. Ai đã từng đến Thái, mà không thưởng thức các món ăn đường phố như: xôi xoài, xiên nướng, cơm chiên Thái… xem như chưa đến Thái. Các loại thức ăn, đồ uống bày bán trên xe đẩy được đóng gói sạch sẽ, thuận tiện cho người mua mang đi. Để có được như thế, chính quyền đã quy hoạch các điểm bán theo quy định và dễ quản lý, giám sát. Người bán trong khu vực này được cung cấp nước sạch, tập huấn kiến thức VSATTP, cấp chứng chỉ hành nghề… Và cứ thế, người bán phải tuân thủ.

Nhìn chung, loại hình TAĐP của Thái và Việt Nam nói chung, Phan Thiết nói riêng, có nhiều điểm tương đồng. Để thức ăn đường phố tại Phan Thiết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo điều kiện cho người dân buôn bán theo đúng quy định của pháp luật, trước hết, các ngành chức năng phải thiết kế quy hoạch. Xã, phường nào được quy hoạch có tuyến TAĐP, thì xã, phường đó tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người bán thực hiện đúng quy định… Nếu như sự quy hoạch du lịch ẩm thực đường phố hợp lý, quản lý tốt kết hợp tiềm năng đa dạng món ăn, tin chắc rằng ẩm thực đường phố thu hút nhiều khách du lịch và mang lại thu nhập cho người dân, cũng như ngành du lịch.

Trang Long



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Thức ăn đường phố, nhìn từ góc độ quản lý