Theo dõi trên

Quản lý an toàn thực phẩm: 3 ngành vào cuộc, vẫn phụ thuộc… ý thức chấp hành

17/01/2017, 09:08

BT- Sau 7 năm triển khai Luật An toàn thực phẩm, đến nay công tác quản lý lĩnh vực này trên địa bàn Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến nhờ sự vào cuộc tích cực của 3 ngành: y tế, nông nghiệp & phát triển nông thôn, công thương. Dù vậy nếu thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là nỗi lo thường trực khi mà tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc… còn xảy ra trên địa bàn.

                
      
Các điểm giết mổ gia súc - gia cầm cần được    đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong    hoạt động.

3 ngành vào cuộc…

Số liệu thống kê từ Sở Y tế cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016 đã thực hiện 1.176 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn Bình Thuận với 40.235 lượt cơ sở. Qua đó tiến hành xử lý vi phạm hành chính 706 cơ sở (chiếm 1,7%) với tổng số tiền phạt hơn 1.371 triệu đồng, đồng thời nhắc nhở, cảnh cáo 10.676 cơ sở (chiếm 25,4%). Cũng theo đánh giá của ngành y tế địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua được đẩy mạnh nên giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn… Trong tháng 7/2016, UBND tỉnh giao Sở Y tế thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm y tế, nông nghiệp & phát triển nông thôn, công thương, công an do ngành y tế chủ trì (Đoàn Ban chỉ đạo 389) tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đối với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thời gian qua cũng có một số chi cục trực thuộc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành, trong đó có thanh tra đột xuất các cơ sở. Từ năm 2011 đến năm 2016 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tiến hành 94 cuộc thanh tra 857 lượt cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến bao gói nông thủy sản trên địa bàn. Kết quả đã phát hiện và xử lý hành chính 159 cơ sở với số tiền hơn 1.283 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy nhiều chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất không rõ nguồn gốc và đình chỉ hoạt động có thời hạn 15 cơ sở. Cùng thời gian, Chi cục Thú y tập trung thanh tra và tham gia các Đoàn liên ngành thanh tra 4.352 cơ sở, quầy sạp kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật, giết mổ gia súc - gia cầm hoặc kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Từ các đợt thanh tra nêu trên đã phát hiện 2.060 cơ sở vi phạm, qua đó tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt tổng cộng 266 cơ sở với số tiền hơn 403 triệu đồng. Riêng Chi cục Thủy sản thì tổ chức 29 đoàn thanh tra giám sát các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống, nuôi tôm thương phẩm, an toàn thực phẩm tàu cá và đã xử lý 184 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 786 triệu đồng…

Giai đoạn 2011 - 2016, Sở Công Thương cũng thực hiện kiểm tra 2.667 cơ sở sản xuất - kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Trong số này có 991 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, vì vậy đã bị xử phạt hành chính hơn 2,5 tỷ đồng, đáng chú ý là số vụ vi phạm thường tăng cao vào thời điểm trước - trong, sau Tết Nguyên đán hàng năm.

 Cần ý thức chấp hành

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của 3 ngành chức năng, song vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian qua trên địa bàn Bình Thuận không thể chủ quan. Bởi tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra, tính từ năm 2011 - 2016 đã có 14 vụ với 405 người mắc, trong đó tử vong 4 người đều do sử dụng thực phẩm chứa độc tố tự nhiên (cá nóc, khoai mì)… Cùng với đó, theo phản ảnh từ các địa phương thì loại hình kinh doanh thức ăn đường phố ngày càng đa dạng và “nở rộ” trong thời gian gần đây, khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê từ tuyến xã - phường cho thấy, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.615 cơ sở kinh doanh về thức ăn đường phố, song đến nay mới chỉ có 9 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Nỗi lo về an toàn thực phẩm cũng xuất phát từ nguyên nhân do khâu nhập khẩu, kinh doanh buôn bán, sử dụng hóa chất trên thị trường cả nước đang còn nhiều bất cập. Trong khi đó các bộ ngành, địa phương lại chưa có giải pháp thắt chặt quản lý triệt để, nên dẫn đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh dễ dàng tìm kiếm và sử dụng hóa chất không đúng mục đích, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm và trách nhiệm của một bộ phận người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp nguy cơ gây hại sức khỏe cộng đồng…

Để quản lý an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả cao hơn, các ngành chức năng và địa phương cần quan tâm đẩy mạnh thông tin giáo dục, nhất là truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao ý thức chấp hành cho mọi người. Từ đó hạn chế dần tập quán sử dụng thực phẩm không đảm bảo như ăn tiết canh gia súc - gia cầm, gỏi cá tươi, ăn những thực phẩm “độc lạ” hay tự tin chế biến theo kinh nghiệm (thịt cóc, cá nóc)… Cùng với đó còn tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng liên ngành, đồng bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm với mức xử phạt mang tính răng đe cao. Tại các địa phương, cần thiết thành lập cơ quan đầu mối có khả năng liên kết, liên ngành nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã - phường.

    
  

    Rủi ro là khó tránh

      Theo Sở Y tế Bình Thuận, rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh,   ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát đồng bộ, đời   sống của người dân cao vẫn xảy ra sự cố. Dẫn chứng là ở Mỹ, hàng năm có   48 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, còn ở Anh là 190   ca/100.000 dân, tại Úc khoảng 4,2 triệu ca ngộ độc thực phẩm/năm. Bên   cạnh đó, nhiều sự cố nghiêm trọng về an toàn thực phẩm như Melamine   trong sữa, chất tạo nạc… đều xuất phát từ các nước phát triển như trong   năm 2013, tại Nhật từng gặp những vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng chục   người mắc, còn Ấn Độ xảy ra ngộ độc thực phẩm học đường khiến gần 30 học   sinh tử vong…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý an toàn thực phẩm: 3 ngành vào cuộc, vẫn phụ thuộc… ý thức chấp hành