Theo dõi trên

Quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động: “Mất bò mới lo làm chuồng”

04/04/2019, 08:29

BT- Dịch vụ nấu ăn lưu động đang “nở rộ”, phục vụ tiện lợi trong tổ chức đám tiệc. Song song sự tiện lợi là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. 

                
   Tiệc cưới. (Ảnh minh họa: N.Lân)

Còn bỏ ngỏ

Mặc dù dịch vụ nấu ăn lưu động có từ nhiều năm nay, nhưng không dễ quản lý, kiểm tra. Bởi các cơ sở phục vụ tiệc cưới hỏi thường chỉ sơ chế tại nhà, không có bếp nấu; sau đó mang đến nhà khách hàng và phục vụ tại chỗ. Thậm chí, chủ dịch vụ sơ chế và nấu ở lề đường hoặc hàng hiên gần nơi khách hàng bày tiệc, phục vụ xong họ lại di chuyển sang nơi khách hàng khác. Ông Phạm Văn An -  Phó phòng phụ tráchphòng Y tế Phan Thiết thừa nhận.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, dịch vụ nấu ăn lưu động hoặc những người nấu thuê nhỏ lẻ thường không lưu mẫu thức ăn. Do đó, khi xảy ra sự cố rất khó có cơ sở để xác định nguyên nhân. Chẳng hạn, 2 ngày (29 – 30/3), nhiều người dân Hàm Thuận Bắc nhập viện nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới từ dịch vụ nấu ăn lưu động. Khi kiểm tra, cơ sở dịch vụ không lưu mẫu.

Với phân cấp tuyến huyện, thị, thành phố, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp cho các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động tại Phan Thiết (6 cơ sở), La Gi (2 cơ sở). Số lượng loại hình dịch vụ này của toàn tỉnh, Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chưa nắm được, hiện đang có văn bản gửi các phòng y tế rà soát và thống kê lại. Đó là báo cáo nhanh của Sở Y tế. Tuy nhiên thực tế, dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ các tiệc cưới hỏi, đám giỗ, sinh nhật… đang “nở rộ”, ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Bởi sự tiện lợi, tiết kiệm hơn tùy theo túi tiền dễ dàng lựa chọn món ăn so với đặt tại nhà hàng hoặc tự nấu ở nhà. Ước tính mỗi huyện, thị, thành phố có hơn chục cơ sở nhỏ lẻ về loại hình dịch vụ này. Từ báo cáo nhanh của Sở Y tế so với thực tế, phải chăng việc quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động đang còn “bỏ ngỏ”? Một khi chưa nắm hết số lượng, thì số cơ sở ấy sẽ chưa được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, kéo theo nhiều hệ lụy, có khả năng sử dụng phụ gia thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm… không đảm bảo theo quy định. 

Tiềm ẩn nguy cơ

Chính vì sự khá tiện lợi, phù hợp với túi tiền của gia chủ đặt tiệc, dịch vụ nấu ăn lưu động đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Người đặt tiệc thường quan tâm giá cả, loại món ăn có ngon hay không. Nắm bắt yếu tố này, bên kinh doanh dịch vụ tìm cách đưa mức giá thấp nhất tạo sự cạnh tranh. Khi giá thành quá thấp, chất lượng nguồn gốc nguyên liệu đầu vào là vấn đề đáng quan tâm. Do đó, cả 2 bên cung và cầu chưa chú ý đến chuyện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Nguyễn Văn B., một đầu bếp của cơ sở nấu ăn lưu động tại Phú Trinh, chia sẻ: Nấu tiệc cưới hỏi với suất ăn lớn vài trăm người, chủ dịch vụ thường chuẩn bị sơ chế các nguyên liệu trước 1 - 2 ngày và đặt vào tủ đông hay mát tùy loại nguyên liệu. Đến ngày đãi tiệc, cơ sở chỉ làm nóng và bày biện. Riêng món gỏi, đầu bếp và chủ dịch vụ có kinh nghiệm rất lưu tâm, bởi món này dễ gây “chột bụng” người ăn. Để đảm bảo an toàn,  phải mua hàng tươi sống ngay trong ngày đãi tiệc. Khách vào bàn đầy đủ, bếp và phụ bếp của dịch vụ mới trộn nguyên liệu và mang lên bàn ăn. Nếu trộn trước khoảng 15 – 30 phút, món gỏi sẽ ra nước, gia vị trở nên nhạt, không ngon; bị “hở gió”, gặp thực khách bụng yếu mà ăn vào, không tránh khỏi tiêu chảy. Chưa kể, rau củ quả rửa không kỹ, nguy cơ mất an toàn với người ăn.

Ông Nguyễn Bá Tòng – Phógiám đốc Sở Y tế xác nhận:gỏi là món ăn dễ ôi thiu hơn các loại món ăn khác, sau 30 phút trộn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển. Vì vậy, ăn gỏi sau thời gian trên, không tránh khỏi bị ngộ độc hoặc liên quan đến bệnh tiêu hóa. 

Quản lý cách nào?

Dẫu biết rằng có cầu thì ắt có cung, dịch vụ nấu ăn lưu động đáp ứng được những điều kiện của người dân, nhưng vấn đề về an toàn thực phẩm cần quan tâm hơn từ nhiều phía.

Theo ông Thành, hiện nay chi cục đang đợi các huyện gửi số liệu thống kê số lượng các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Sau khi tổng hợp số liệu, chi cục phối hợp phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Tòng cho biết:với sự phát triển của các cơ sở nấu ăn lưu động, ngành y tế rất quan tâm đến an toàn thực phẩm tại các cơ sở này. Trong thời gian tới, ngành sẽ yêu cầu các phòng y tế tham mưu UBND cấp huyện, thị, thành phố tập trung kiểm tra, kiểm soát các cơ sở hoạt động dịch vụ nấu ăn lưu động; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở vi phạm. Đề nghị các ngành chức năng quan tâm thu thuế đối với loại hình dịch vụ này nhằm đảm bảo sự công bằng so với các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng, gia chủ đãi tiệc, người dân nên lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động: “Mất bò mới lo làm chuồng”