Theo dõi trên

Quản lý rác thải: Kinh nghiệm nào cho du lịch Bình Thuận?

30/07/2019, 09:02

BT- Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, rác thải nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung lâu nay vẫn là vấn đề đáng quan tâm của những địa phương có thế mạnh về du lịch. Tại Bình Thuận, việc quản lý rác thải trong thời gian qua đã từng bước cải thiện và được cộng đồng lẫn doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch hưởng ứng tham gia. Dù vậy công tác vệ sinh môi trường ở một số khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh chưa xử lý kịp thời, điều đó cũng ít nhiều làm “mất điểm” hình ảnh du lịch địa phương trong mắt du khách. Quá trình phát triển, du lịch Bình Thuận cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp phù hợp mà nhất là từ những kinh nghiệm của các điểm đến nổi tiếng để khắc phục tồn tại này…

                
      
   Mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại    Muine Bay Resort (TP. Phan Thiết) cần được nhân rộng đến các doanh    nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Mới đây vào giữa năm 2019, Hội thảo Quản lý rác thải do Văn phòng Điều phối chương trình quốc gia thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại TP. Phan Thiết. Từ đây nhiều cách làm hay về vấn đề này là gợi ý hữu ích cho Bình Thuận cũng như ngành du lịch nghiên cứu, có thể áp dụng trong thực tiễn quản lý, xử lý rác thải ở địa phương mình. Đặc biệt là kinh nghiệm của điểm đến Hội An (Quảng Nam) - thành phố tuyệt vời nhất thế giới vừa được Tạp chí Traval and Leisure bình chọn…

Theo thống kê trong năm 2018, Hội An đón hơn 5,2 triệu lượt khách (còn Bình Thuận trên 5,75 triệu lượt khách) và cũng đang hướng đến một thành phố “Sinh thái - văn hóa - du lịch”. Hiện Công ty CP Công trình công cộng Hội An là đơn vị duy nhất thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố có diện tích 61.712 km2. Đại diện đơn vị này cho biết: Đối với rác thải sinh hoạt, công tác “phân loại rác tại nguồn” đã được thực hiện từ nhiều năm qua theo chủ trương của thành phố Hội An. Theo đó mỗi gia đình, cơ sở kinh doanh, cơ quan tự phân thành 2 loại “rác dễ phân hủy”, “rác khó phân hủy” được cho vào 2 túi riêng hoặc tự trang bị 2 thùng rác riêng, đặt đúng nơi quy định để đảm bảo mỹ quan đô thị và thuận tiện cho việc thu gom. Tiếp đến, rác dễ phân hủy sẽ được công ty thu gom vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật, còn rác khó phân hủy thu gom trong các ngày thứ 3, 5, 7. Hàng ngày khi phương tiện cơ giới đi thu gom đều bật tín hiệu thu gom các rác phân loại nhằm nhắc nhở người dân, cơ sở kinh doanh tham gia thực hiện nghiêm túc… Trong khi đó dọc sông Hoài hay một số kênh, hồ, kè sẽ được đội công nhân thu gom bằng ghe nhôm gắn động cơ để vớt rác giúp linh hoạt, hiệu quả hơn cũng như giảm tải lao động thủ công.

Với rác từ các nhà hàng và khách sạn, Công ty CP Công trình công cộng Hội An tiến hành thương thảo ký hợp đồng, ngoài ra cũng trang bị 2 loại thùng và tự phân loại: Thùng màu xanh chứa rác dễ phân hủy, thùng màu cam chứa rác khó phân hủy. Theo yêu cầu, các thùng rác của nhà hàng, khách sạn không những đem ra đặt đúng vị trí mà còn phải phân loại và đúng ngày, nếu không thực hiện sẽ không được công ty thu gom… Tại các khu vực công cộng, ven trục đường trung tâm cũng được đơn vị thu gom rác phối hợp địa phương, Phòng Tài nguyên - Môi trường xác định vị trí đặt thùng rác phục vụ du khách. Những thùng này đều chia thành 2 ngăn, có dán tấm mica với hình ảnh sinh động hướng dẫn du khách phân loại rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy để bỏ vào đúng ngăn chứa rác…

Bên cạnh đó, Bình Thuận và ngành du lịch cũng cần tìm hiểu mô hình đồng quản lý rác thải sinh hoạt tại Hội An mà thành phố này đang hướng tới là phân loại rác tại nguồn theo 3 nhóm riêng biệt, gồm “rác thải dễ phân hủy”, “rác thải khó phân hủy” và “rác thải tái chế”. Từ đó 3 loại rác thải sinh hoạt sẽ được thu gom và chuyển đến các điểm cuối cùng theo đúng quy định: Rác thải dễ phân hủy chuyển đến nhà máy làm phân compost, rác thải khó phân hủy chuyển đến bãi rác tập trung để xử lý, còn rác thải tái chế thì chuyển đến cơ sở thu mua phế liệu.

    
      Theo yêu cầu phân loại thì “rác thải dễ phân hủy” gồm các loại lá cây,   cành cây nhỏ, hoa quả, thực phẩm nhà bếp, bã trà, bã cà phê, giấy ăn,   rơm rạ, cỏ… Còn “rác thải khó phân hủy” là các loại túi nilon, nhựa,   chai lọ, bao xi măng, xương, vỏ sò ốc, vải, xốp, giấy cứng, linh kiện   điện tử, kim loại…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý rác thải: Kinh nghiệm nào cho du lịch Bình Thuận?