Theo dõi trên

Quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

19/09/2019, 09:35 - Lượt đọc: 54

BT- Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Chính vì thế, 10 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để lao động học nghề xong có thể “sống” được với nghề.  

                
   Nghề dệt thổ cẩm thu hút nhiều học viên nữ    là con em đồng bào DTTS theo học.

Phối hợp đào tạo nghề nông nghiệp

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện lồng ghép chương trình tập huấn đối với cán bộ cơ sở, cộng đồng thuộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Theo đó, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thanh niên tuổi từ 16 - 25 với hàng trăm học viên học các nghề như: kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 34 lớp đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành cho cán bộ cấp xã, thôn và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II cho trên 1.700 học viên. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và các huyện tổ chức tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học  – kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hộ đồng bào DTTS với trên 202.000 lượt người tham gia; tổ chức tập huấn mô hình trồng cây bắp lai, lúa nước và chăn nuôi với gần 4.000 học viên tham gia.

Mặt khác, thực hiện Quyết định số 35 của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Trường Cao đẳngnghề triển khai thực hiện việc xét tuyển con em DTTS được học trung cấp nghề. Qua 5 năm phối hợp, Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận xét tuyển được 250 em và tăng cường tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường. Từ năm 2014 đến nay đã có 78 học sinh tốt nghiệp với 7 ngành, nghề đào tạo và đã được các doanh nghiệp sử dụng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định chiếm khoảng 70%, với thu nhập tiền lương bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay còn 162 học viên đang tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận.  

Xây dựng ngành nghề sát thực tế

Tuy nhiên theo nhận định của Ban Dân tộc tỉnh, công tác đào tạo nghề ở một số địa phương vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đào tạo nghề có nơi, có lúc còn chạy theo phong trào, nhiều lao động đã qua đào tạo nghề nhưng không tìm được việc làm theo đúng ngành nghề. Hơn nữa, công tác tuyên truyền vận động người lao động tham gia đào tạo nghề chưa được triển khai sâu rộng ở vùng DTTS. Trình độ học vấn của học viên còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp thu kiến thức trong quá trình học nghề không theo kịp các chương trình đào tạo, tỷ lệ đăng ký học nghề thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng còn cao.

Từ những bất cập nêu trên cho thấy, để giải quyết những khó khăn trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, lao động là người DTTS nói riêng; chính quyền các cấp cần đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân. Các lớp đào tạo nghề cần dài hạn hơn, chương trình yêu cầu phù hợp trình độ dân trí cũng như tâm lý học viên. Đồng thời rà soát, lựa chọn danh mục nghề đào tạo cho lao động là người DTTS bên cạnh những nghề truyền thống cần chú trọng gắn với yêu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Có như vậy, công tác đào tạo, dạy nghề mới mang lại hiệu quả cho lao động nông thôn nhất là đồng bào DTTS.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số