Theo dõi trên

Ra sông mùa xuân

23/02/2018, 09:22 - Lượt đọc: 64

BT- I. Chiếc xe bò lộc cộc, chở đầy người, chậm rãi đi trên con đường đất hướng ra sông. Sông Dinh. Đã bao năm rồi, cứ sau tết vài ngày, không hẹn mà người làng Phước Bình (thuộc khu phố 8 phường Tân An, thị xã La Gi) lại tập trung ra sông. Đây là cái lệ của  người trong làng, muốn cùng nhau vui chơi  trong thiên nhiên, bên cạnh  dòng sông mến yêu, trước khi quay lại với đời sống đầy lo toan trong những ngày, tháng còn lại của một năm mới.

                
Xe bò là phương tiện đưa dân làng ra sông    Dinh. Ảnh: N.V.T

Con đường ra sông những năm gần đây khá gập ghềnh vì một phần do mưa lũ, một phần do xe bò, xe vận chuyển cát ít nhiều đi lại, làm mặt đường xấu đi. Bởi vậy, khi người phụ nữ đứng tuổi điều khiển xe, tinh nghịch cụp mạnh chiếc nón đang đội trên đầu vào đuôi bò làm con vật nhột, lồng lên, kéo chiếc xe lao đi, thì những người ngồi trên xe mất đà, ngả dúi vào nhau, người này ôm lấy người kia cùng với tiếng cười nắc nẻ vang lên. Tiếng cười của xe trước làm xe sau cũng cảm thấy phải làm cái gì đó hưởng ứng, thế là, cả một đoàn xe bò rùng rùng chạy ra sông, cuốn theo bụi mù ở phía sau xe.

II. Dòng sông Dinh chảy qua thị xã La Gi, đoạn giáp ranh xã Tân Xuân đến điểm giao thủy giữa suối Đó và sông Dinh, từ lâu được người dân nơi đây gọi là suối Tiên.

Sở dĩ có tên gọi này, bởi đoạn sông mùa khô có cảnh quan lãng mạn. Vào những năm 60, khu vực này là rừng hoang cỏ dại, chung quanh không có người ở, mãi đến những năm 1965, 1966 các khu dân cư mới định hình. Sống gắn bó nhất với khúc sông này là dân làng Phước Bình, nay thuộc khu phố 8, phường Tân An. Những người sống lâu năm tại đây kể lại rằng: Hồi ấy công cuộc mưu sinh của dân làng gắn liền hai bên bờ sông Dinh, người làm ruộng, kẻ đập đá, đốt than, cưa củi… Từ mụt măng, con tôm, con cá cho dân làng cũng từ dòng sông này.

Tàn chiều, khi xong công việc đồng áng, trai gái thường rủ nhau xuống sông tắm gội. Mùa khô, ở những gộp đá có khe nước trong xanh, cây rù rì che kín, là chỗ để các cô thôn nữ tìm đến. Vài lần vô tình người ta nhìn thấy những “tòa thiên nhiên” xỏa tóc mơ màng bên sông vắng. Trong màu hoàng hôn vàng ái ngại, hình ảnh mờ mờ ảo ảo ấy đẹp như tiên cảnh. Vậy là từ đó tên gọi Suối Tiên ra đời. Lúc đầu vài người gọi, rồi nhiều người gọi, gọi mãi thành quen, thành địa danh, thành chuyện lạ trên sông có suối.

III. Như vậy, đoạn suối Tiên của dòng Dinh, đã gắn bó với “người làng” trên 50 năm. Vì vậy, ra sông là dịp để  hoài niệm, được chìm đắm trong ký ức êm đềm một thời đã qua.

Với những người sống xa làng, được về lại với sông xưa, ngồi bên bạn cũ trong miên man nỗi nhớ, trong ấm áp tình làng, ấy là giây phút tuyệt vời lắng đọng khó quên, có khi may mắn, bởi có rất nhiều anh em, bè bạn đã không được vậy.

IV. Đơn sơ, mộc mạc, “tết muộn” của người làng chỉ là những món dân dã bình dị có từ ruộng vữa, ấy là mấy con gà con vịt tự nuôi, vài chục bắp, mớ đậu phộng, ít bánh trái còn lại sau tết… Nói chung ai có gì mang theo thứ đó.

Phụ nữ nhóm lửa, làm gà, làm vịt, cánh đàn ông xuống sông giăng lưới bắt cá, bắt ốc. Sau chừng non tiếng, lửa đã lên, gà đã luộc, cá đã nướng. Tết giữa sông được bày ra khá thịnh soạn, món cá đồng nướng bao giờ cũng đắt hàng. Xen trong bữa tiệc là những câu chuyện rất đời thường. Chuyện vui về làng năm rồi có những nhiều em thi đỗ đại học, sinh viên ra trường tìm được việc làm tốt, có người nhận bằng thạc sĩ… Chuyện cuối năm khoai mì được giá, nhà nào cũng có chút dư chi phí cho tết nhất. Rồi người này góp ý người kia, việc làm ăn, việc giáo dục con cái, giữ gìn truyền thống của làng…

Ra sông Dinh với người làng còn mục đích trút bỏ những ưu tư phiền muộn, gột rửa những xui rủi năm cũ, mở lòng nhau, yêu thương nhau để hướng đến một năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, con cái học hành đến nơi đến chốn. Có những người làng trong năm xích mích, cãi vã nhau do bất đồng chuyện này, chuyện nọ, nhưng khi ra sông ngồi chung nhau trên tấm chiếu trải bên bờ sông, uống chung nhau ly rượu, chia nhau miếng cá nướng, là bỏ qua hết giận hờn. 

Mỗi năm một lần, vào cuối buổi ra sông bao giờ cũng có sự điểm danh  và lần nào cũng thấy thiếu, thấy thưa. Có người năm trước gọi tên còn cười vang “có”, thì năm nay, đáp lại là sự yên lặng.

Những chiếc xe bò vào cuối buổi chiều lại lộc cộc chở đoàn người quay về trên con đường đất thân quen. Có điều, thay vì tiếng cười là những lời dặn nhau “nhớ làm cái này, cái kia”, bởi ai cũng hiểu “đời sống là dòng chảy, người thấy đó rồi khuất đó”…

Ngô Văn Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ra sông mùa xuân