Theo dõi trên

Sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc: Liên kết để ổn định đầu ra

17/09/2020, 09:37 - Lượt đọc: 330

BT- Theo số liệu thống kê gần đây, diện tích thanh long đã trồng trên địa bàn Hàm Thuận Bắc khoảng 9.060 ha, trong đó đang giai đoạn kinh doanh là hơn 8.880 ha. Với diện tích này, hàng năm sản lượng thanh long cho thu hoạch trung bình đạt gần 152.480 tấn, vì vậy tìm đầu ra ổn định cho loại cây trồng chủ lực và có lợi thế ở địa phương cũng được tính đến.

Để đem lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua các hộ sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc đều được tập huấn kỹ thuật trồng và định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có 4.700 ha thanh long áp dụng các hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm nước, trong đó khoảng 100 ha áp dụng hệ thống tưới kết hợp bón phân và có hơn 200 tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP…

                
   

Thanh long cũng được    xem là cây trồng chủ lực và có lợi thế của huyện

   Hàm Thuận Bắc. Ảnh:    Đ.Hòa

Thời gian qua, trái thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Bắc sau thu hoạch được tiêu thụ thông qua thương lái thu gom cho chủ vựa và các công ty tham gia xuất khẩu. Toàn huyện hiện có 21 hộ kinh doanh (vựa thanh long) và 5 công ty TNHH kinh doanh mua bán, sơ chế trái thanh long xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc… Ngoài ra tại địa phương còn có 17 hợp tác xã (HTX) thanh long thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trái thanh long với các doanh nghiệp.

Với hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ, đến nay đã góp phần tìm kiếm được thị trường và từng bước giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm trái thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Điển hình HTX Thanh long Thuận Tiến được cấp chứng chỉ GlobalGAP vào đầu năm 2017 đã có hợp đồng liên kết ổn định với các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ trái thanh long xuất khẩu đi châu Âu (khoảng 100 tấn/năm với giá bình quân ổn định 26.000 đồng/kg). Hay như HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cũng liên kết với Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu xuất hàng đi Mỹ với sản lượng 120 tấn/tháng. Còn từ tháng 3/2018 đến nay, HTX liên kết Công ty TNHH Giasaka Nhật Bản tiêu thụ thanh long vào thị trường khó tính này với sản lượng khoảng 30 tấn/tháng…

Trong tình hình hiện nay, việc tổ chức theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Thế nên địa phương cũng quan tâm vận động doanh nghiệp cùng các HTX trên địa bàn Hàm Thuận Bắc tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long… Thêm tín hiệu lạc quan nữa là trong năm 2019, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty CP Nafoods Group, theo đó sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn, hữu cơ ở Bình Thuận theo chuỗi giá trị. Được biết công ty này cũng đang phối hợp Tập đoàn Tài chính Quốc tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND huyện tiến hành khảo sát, lựa chọn hộ nông dân, HTX để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long tại Hàm Thuận Bắc.

Tiếp tục đảm bảo hiệu quả kinh tế cho cây trồng chủ lực và lợi thế, sắp tới Hàm Thuận Bắc sẽ giữ ổn định diện tích thanh long hiện có với sản lượng khoảng 180.000 tấn/năm (trong đó có 3.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP). Đồng thời tập trung hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ trên cơ sở củng cố, phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất thanh long an toàn để nâng cao chất lượng cũng như năng lực sản xuất liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản một cách ổn định, bền vững…

Đ.Quốc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc: Liên kết để ổn định đầu ra