Theo dõi trên

Sẻ chia trong “cơn khát”

25/05/2020, 09:06

 BT- Niềm vui ấy khiến tôi cảm nhận rằng rất giống cái hôm tôi đi giữa trời nắng to ở xã Phan Hòa, thì nghe chuyện người dân ở đây sẻ chia nước, trong hoàn cảnh  nước đã thành loại hàng hóa đặc biệt ở đây.

                
Hứng từng giọt nước từ lòng đất về sử dụng.

 Tiếp nước

Tôi trở lại huyện Bắc Bình khi cả tỉnh đang tập trung chống hạn. Nơi được xem là rốn hạn của mùa khô năm nay vốn đã dự báo từ trước vụ đông xuân với kế hoạch cắt giảm diện tích sản xuất chiếm đến 90% diện tích bình thường, bây giờ càng khắc nghiệt hơn. Đa phần sông, suối đều không còn nước, mạch nước ngầm cũng suy giảm trầm trọng khiến một số nơi nước biển mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền. Nhiều giếng khoan ở đây có nước nhưng bị nhiễm mặn nên không thể dùng được. Điều đáng lo là trời vẫn cứ nắng gắt, chưa có dấu hiệu gì sẽ có mưa. Hiện tại, không chỉ hộ dân mà trường học, bệnh viện... cũng đang lo nước từng ngày.

“Trong trường học, khổ nhất là bậc học mầm non. Những bé lên 2, lên 3 tuổi thường xuyên tiểu tiện, ăn ói... phải sử dụng nhiều nước, nhưng nước thiếu nên rất bất tiện. Con nít chơi dơ bẩn nên rửa tay thường xuyên, nhất là thời điểm dịch covid-19 này, nhưng không có nước. Nước máy thì phải 2 - 3 ngày mới có. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ khó duy trì bán trú” - cô giáo ở một trường mẫu giáo Bắc Bình phàn nàn với tôi như thế. Tôi cảm nhận cô giáo nói để thỏa sự lo lắng, chứ thật sự ai cũng hình dung rất rõ điều đó, nhất là phụ huynh. Những ngày qua, nhiều phụ huynh đã không muốn đưa con đến lớp, vì nhiều lý do mà chỉ họ tự suy nghĩ, lo sợ vu vơ cứ như còn dư âm của dịch Covid -19 rồi. 

Trường mẫu giáo Phan Thanh là minh chứng rất rõ điều đó. Khi tôi đến đây, trường lớp vắng hoe, mỗi lớp chỉ có vài em đang học (ngoại trừ lớp lá). Giáo viên của trường kể trong nỗi thở dài: “Lớp học có sĩ số 30 em, buổi sáng còn đông một chút, buổi chiều chỉ còn vài em. Phụ huynh cứ gọi điện xin cho con nghỉ với lý do nắng nóng, trường không có nước, nó đang ngủ dựng đầu dậy tội nghiệp... Bọn em biết trả lời sao!”. Không riêng Phan Thanh, hàng loạt các trường mẫu giáo khác ở vùng cao như Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Sông Bình... cũng đang “đói nước”. Để có nước vệ sinh sạch sẽ cho các em, thầy cô đã phải thay phiên nhau đi chở hoặc chờ chực cả đêm, tranh thủ những lúc có nước máy hứng tích trữ để… giữ sĩ số lớp. Cái cảnh ấy có lẽ chỉ xảy ra trong mùa khô năm nay và cũng thật hy hữu. Thật lạ, lại vì lý do “đói nước”, lớp học có thể không học được. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ mãi về năm học kỳ lạ này tại Bắc Bình, vì hết dừng học vì dịch bệnh tràn lan lại bị đứng trước nguy cơ rã lớp vì “đói nước”.

Vài ngày sau, tôi nhận được thông tin huyện Bắc Bình đã huy động lực lượng chở nước đến cho các trường bán trú để duy trì hoạt động dạy và học. Chuyến xe nước đầu tiên đã đến Trường mẫu giáo Sông Bình vào ngày 22/5. Tin loan đi như một sự kiện lớn ở đây, vì thầy cô giáo ở trường phải còn vận động phụ huynh đưa con em ra lớp.“Các trường khác có thể cầm cự được, riêng Trường mẫu giáo xã Sông Bình thì không thể. Phòng Giáo dục đã đề nghị UBND huyện cấp kinh phí để chở nước cho trường và đã cấp được khoảng 6 khối, đang tiếp tục xin huyện hỗ trợ cho thùng nước lớn đựng nước vì thùng của trường nhỏ không đảm bảo. Sau đó, tiếp đến các trường khác” -  Sự hồ hởi khi thông báo điều đó của Phòng Giáo dục huyện Bắc Bình khiến tôi bỗng vui mừng theo, vì cảm nhận như là gỡ nút thắt của giáo dục. 

 Sẻ nước

Niềm vui ấy khiến tôi cảm nhận rằng rất giống cái hôm tôi đi giữa trời nắng to ở xã Phan Hòa, thì nghe chuyện người dân ở đây sẻ chia nước, trong hoàn cảnh  nước đã thành loại hàng hóa đặc biệt ở đây. Ở gần biển, cuối sông, mùa này Phan Hòa nổi tiếng khô hạn của huyện. Năm nay xã không sản xuất vụ đông xuân, Chủ tịch xã Thông Minh Linh bày tỏ: “Năm nào Phan Hòa cũng thiếu nước, nhưng năm nay thiếu nhiều hơn. Mình đã có kiến nghị với huyện xem xét bổ sung thêm nguồn nước về xã, nhưng tình hình hạn hán này không thể làm gì hơn. Bà con tự khắc phục, khoan hoặc đào giếng sử dụng tưới tiêu”.

Như nhiều gia đình khác trong thôn, nhà bà Mao khoan giếng, may mắn có nước. Giếng nước nằm sát bên đường liên thôn nên “ông đi qua bà đi lại” ai cũng biết. Ban đầu là vài người trong xóm biết và đến xin nước, sau đó cả thôn. “Ở đây nhà nào cũng khoan và đào giếng nhưng không có nước, mà nếu có thì cũng đục, nhiễm phèn. Tự nhiên nhà chị ấy khoan trúng mạch nước. Ai đến xin, chị ấy đều cho, không lấy tiền, có chỗ người ta bán...”, bà Đặng Thị Trận, người hàng xóm của bà Mao nói. Trong cảnh nắng gay gắt, tôi thấy bà Mao cầm vòi nước cười tít mắt xịt vào xô, thùng lớn nhỏ cho những người trong làng. Tiện tay, bà xịt vào người các cậu bé cũng đến lấy nước, chúng thích thú cười vang. Nước đầy thùng, chúng khệ nệ gánh về và cũng là lúc bà Mao đóng giếng nước. Bà bảo: “Người ta bán 2 gánh là 4 thùng 5.000 đồng, mình không bán. Ăn thì cũng hết, làm từ thiện để lấy phúc cho con”.

Không chỉ ở Phan Hòa, ở Phan Thanh – một xã khô hạn nhưng người dân cũng tìm ra được mạch nước ngọt rất dồi dào nằm ven bờ sông Lũy. Điểm lấy nước ấy cách nhà của chủ sở hữu, dân ở đây gọi là bà Hai, khoảng 1km đường ruộng. Tôi lẽo đẽo theo sau một nông dân đi chở nước. Đường bờ ruộng, gập ghềnh thật khó đi nhưng nhiều ngày qua, người dân ở đây đã đi như thế chở nước ngọt về nhà dùng. Vì còn hơn là không có nước sử dụng hay mất tiền nhiều. Giếng nước nhà bà Hai rất đặc biệt, giống như 1 ống cống thoát nước từ ruộng đồng ra sông. Nhưng ở đây là cống dẫn nước ngọt ra cho người dân hứng lấy. Toàn bộ mạch nước rỉ từ lòng đất chảy ra sông sẽ lọt vào ống cống này sau khi gia đình bà Hai nong ống nhựa loại nhỏ sâu vào mạch nước. Nước cứ vậy róc rách chảy qua ống ra ngoài và gia đình bà hứng sử dụng. “Chỉ làm cách này mới có nước ăn uống sinh hoạt trong gia đình, còn không là phải đi mua. Ai có nhu cầu cứ đến đó hứng mang về sử dụng, nước của thiên, của địa mà bán làm gì!”.

Nhìn người nông dân ngồi hứng từng ca nước trong vắt đổ vào thùng mà thấy thương người dân vùng khát. Đã đi qua nhiều vùng khát, tôi từng chứng kiến cảnh thiếu nước, nhưng lần này bỗng hiểu hơn câu “trong khó ló khôn”, trong khó khăn mới thấy những hành động tưởng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn như chuyện sẻ nước ở Bắc Bình.

    
  

    Hứng từng giọt nước từ lòng đất về sử dụng.

      Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn   tỉnh, hiện có hơn 26.000 hộ với 98.000 nhân khẩu tại 39 xã, phường, thị   trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Một số người dân phải mua nước sinh   hoạt với giá dao động từ 80.000 -  120.000 đồng/m3 nước...

Ghi chép: Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẻ chia trong “cơn khát”