Theo dõi trên

Sẽ tạo khu sinh thái ngập mặn giữa lòng thành phố?

21/04/2021, 08:51 - Lượt đọc: 198

BT- Đó là ý kiến đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tại buổi thị sát khu vực rừng ngập mặn của thành phố Phan Thiết, tại Khu dân cư Hùng Vương giai đoạn 2, giáp Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh.

Lá phổi xanh của thành phố

Khu rừng ngập mặn còn gọi là Khu vực dự án 5 (Công viên Hùng Vương) với quy mô diện tích hơn 32,3 ha, trong đó khu dân cư gần 10 ha, khu công viên hơn 22 ha. Khu vực dự án 5 được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 297 tỷ đồng, đã ghi kế hoạch vốn năm 2021 là 10 tỷ đồng.

Trước đây, khu vực này là đất nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm), đất làm ruộng muối. Quá trình Nhà nước thu hồi đất (từ năm 2005, đến nay đã gần 15 năm) để thực hiện việc đầu tư xây dựng Khu dân cư Hùng Vương giai đoạn 2 theo quy hoạch. Hiện tại, khu vực này người dân không còn canh tác nên tạo điều kiện cho các cây, lùm bụi phát triển tự nhiên như: Cây sú, cây bần, cây mắm… Hiện trạng các cây mọc rải rác, đa phần các cây bụi, lùm có kích thước nhỏ, cây có kích thước lớn mọc chủ yếu tập trung dọc khu vực bờ sông Cầu Ké, tạo mảng xanh khá bắt mắt. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Vì vậy, chiều về, người dân phát hiện quanh khu vực này nhiều đàn cò về đây trú ngụ, sinh sống tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình.

Theo quy hoạch chung TP. Phan Thiết được phê duyệt điều chỉnh năm 2009, thì khu vực dự án được định hướng quy hoạch là đất cây xanh công viên - thể dục thể thao. Năm 2013, UBND tỉnh có công văn đồng ý chủ trương kêu gọi xây dựng Khu công viên Hùng Vương đầu tư theo hình thức BOT, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Thời điểm đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh mặt bằng quy hoạch chi tiết sử dụng đất dự án Công viên Hùng Vương (từ 28,17 ha thành 32,364 ha), trong đó, bao gồm khu dân cư (đất công viên cây xanh hơn 20 ha, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ 5,365 ha, đất giao thông 6,462 ha). UBND tỉnh xác định Khu vực dự án 5 là một dự án phát triển khu đô thị mới, trong đó gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 - Khu vực dân cư, hợp phần 2 - Khu vực công viên; Nhà nước sẽ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với hợp phần 1 và đầu tư xây dựng hợp phần 2 từ nguồn ngân sách tỉnh.

                
Khu vực rừng ngập mặn của thành phố Phan    Thiết. Ảnh: Việt Quốc

 Tạo khu sinh thái ngập mặn

Tuy nhiên, sau khi đi thị sát bằng canô dọc theo khu vực rừng ngập mặn, ven sông Phú Hài, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng, hiện tại khu rừng ngập mặn đã hình thành thảm xanh rất đẹp. Khu vực này còn thu hút rất nhiều cò, các loại chim hội tụ về sinh sống, tạo nên không gian sống trong lành. Nếu chúng ta cắt hợp phần 1 - 10 ha đấu giá thì thực sự chưa cần thiết vào thời điểm này và khả năng tiếp cận công viên cây xanh của người dân thành phố không nhiều. Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cần nghiên cứu chỉnh trang Khu vực dự án 5, giữ lại toàn bộ diện tích làm công viên cây xanh và thực hiện các công trình công cộng gắn với rừng ngập mặn. Theo đó, sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như những con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn. Với ý tưởng này, tỉnh sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực này tuy chưa được đánh giá cụ thể về các loài thủy sinh có giá trị kinh tế đang cư trú, sự đa dạng và phong phú về số lượng, loài cây, nhưng lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại là vô cùng lớn. Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của sóng, bão lụt; điều hòa khí hậu, ngăn ngừa xói mòn và mở rộng đất bồi. Ngoài ra, còn hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cửa sông, ven biển.

Về ý tưởng giữ lại toàn bộ diện tích khu vực này để quy hoạch làm công viên cây xanh, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch sinh thái bền vững, không chỉ tạo không gian xanh cho người dân, tạo điểm đến mới lạ cho các đoàn khách, mà mục tiêu lớn hơn là tăng cường nhận thức cho du khách, cho nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ tạo khu sinh thái ngập mặn giữa lòng thành phố?