Theo dõi trên

Sông Dinh mùa cá lăng

18/08/2017, 10:15 - Lượt đọc: 642

BT- Từ cuối tháng 7 trở đi, thời điểm dòng sông Dinh no nước, các loài cá trên nguồn theo về đạt độ lớn khá đồng đều, đặc biệt với loài cá lăng. Cá lăng sông Dinh không lớn, trọng lượng từ vài lạng đến nửa ký, nhưng mật độ cá trên sông lại khá dày.

Đây cũng chính là thời điểm những người ghiền câu cá lăng, hàng ngày mang cần ra sông tìm điểm thích hợp để câu. Nói điểm thích hợp, bởi câu cá lăng không đơn giản như câu các loài cá khác, chỉ cần mấy cần tre, ít mồi giun là được. Cá lăng sống ở những dòng chảy nước sâu, lòng sông sạch có nhiều đá, nên người ta bảo “cá lăng ăn dơ nhưng ở sạch”.

Muốn câu được cá lăng phải dùng cần máy hoặc trục câu để có thể quăng câu ra giữa dòng. Mồi câu cá lăng cũng là loại mồi đặc biệt. Người đi câu có thể tự làm mồi, hoặc mua ngoài thị trường. Thực đơn để chế biến ra mồi tương đối cầu kỳ, thường người ta dùng thịt lợn, trứng gà, mắm tôm, nước mắm, trộn với bông gòn rồi ủ trong vòng 1 tháng cho hỗn hợp này dậy mùi mới đem đi câu. Khi câu dùng cây hoặc kẹp dích từng miếng mồi (trộn bông gòn) quấn xoáy vào lưỡi câu gắn trong thẻo, một thẻo câu có thể cột một hoặc hai ba lưỡi. Chì câu dùng loại chì lớn để hạn chế nước đẩy trôi và khi cá ăn giựt mạnh sẽ tự dính vào lưỡi. Nói thì đơn giản vậy, nhưng người đi câu cũng hết sức vất vả mỗi lần chì lưỡi quấn vào đá, vào rễ cây, giựt mạnh thì đứt chì, đứt lưỡi, lặn sông gỡ vừa tốn sức vừa nguy hiểm!

Cá lăng sống theo bầy đàn, thích ăn mồi hôi thối, khi phát hiện ra mùi, cá sẽ tập trung đến, nếu trúng đàn cá đông, người đi câu có thể bắt được vài chục con ở một điểm câu.

Câu cá lăng rất thú vị nhưng không phải ai cũng thích, đơn giản vì cái mùi của mồi câu rất khó chịu, người dị ứng với mùi này không thể nào ngồi câu được. Khi mồi câu dính vào quần áo, tay chân, rửa chà 2 - 3 ngày cũng chưa bay hết. Thường để hạn chế mùi hôi, người đi câu mang theo xác cà phê chà khử mùi. Nhưng dù mùi có hôi đến mấy, nhưng ai đã “ghiền” rồi thì không bỏ được. Anh Lêvăn Thu ở khu phố 8, Tân An làm nghề xây dựng,  ghiền câu cá lăng đến độ dám bỏ tiền triệu sắm một lúc 4 cần câu máy, rồi thì chì, lưỡi, cước, thùng đựng dụng cụ… Ngày nào rảnh là anh lấy xe chở cần ra sông ngồi câu lăng. Anh chỉ câu duy nhất cá lăng, cá khác không  câu.

Sông Dinh đoạn chảy qua thị xã La Gi có mấy điểm, dân câu cá lăng thường tìm đến đó là khu  đập Đá Dựng, vườn ươm cũ, cầu Phước An, đoạn sông nhà bà Thủy... Đây là những điểm nước sâu, nhiều cá, rộng thoáng quăng cần ít bị dính.

Cá lăng có thể làm được nhiều món hấp dẫn như ướp nướng,  kho tộ,  nấu chua,  nấu chuối,  làm chả,  nấu lẩu… Tùy theo khẩu vị, mỗi người có thể dùng cá lăng, chế biến cho mình món ăn thích hợp nhất.

Ở sông Dinh, ngoài cá lăng, cá chạch lấu là những loài cá có giá trị kinh tế cao, người đi câu thỉnh  thoảng cũng câu được tôm càng xanh hoặc cá trê, cá lóc… Tôm càng xanh sông Dinh có con to gần ½ ký.

Sự lo ngại hiện nay là một số người vì ham lợi nhuận thường  dùng thuốc đổ xuống sông để xúc cá tôm; số khác dùng bình điện để chích. Đây thực sự là mối hiểm họa khó lường.

GIAO LINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Dinh mùa cá lăng