Theo dõi trên

Sốt xuất huyết tăng cao, diễn biến phức tạp

05/03/2019, 08:48

BT- Nếu mỗi người dân không có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH), thì bệnh sẽ tiếp tục tăng, bùng phát trong cộng đồng, diễn biến phức tạp trong năm nay.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Thuận ghi nhận 352 ca mắc bệnh SXH, chưa kể số lượng người mắc đang điều trị ngoại trú tại các phòng khám, phòng mạch tư. Số ca bệnh hiện tại đã tăng 277% so cùng kỳ năm 2018 (127 ca). Tánh Linh là huyện có số ca mắc cao nhất tỉnh với 74 trường hợp, chiếm tỷ lệ 21% trong tổng số ca mắc toàn tỉnh. Trong khi đó cả năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận chỉ có 1.535 ca mắc. Qua số liệu trên cho thấy số ca mắc SXH của 2 tháng đầu năm 2019 tại tỉnh tăng cao.

Nếu trước đây sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, nhưng thời gian gần đây  nhiều người lớn cũng bị mắc. Cụ thể, trong số 352 ca SXH của những tháng đầu năm nay, có 148 ca trẻ em dưới 15 tuổi và 204 ca từ 15 tuổi trở lên. Như vậy, tỷ lệ người trên 15 tuổi bị SXH chiếm 58,3% tổng số ca bệnh.

Bác sĩ Trần Thiện Nghĩa (Phó trưởng khoa phòng chống bệnh lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, mặc dù thời điểm này không phải là mùa mưa, nhưng kết quả giám sát véc tơ SXH cho thấy chỉ số lăng quăng và muỗi đều tăng cao. Nguyên nhân do người dân không thay nước bình hoa trưng bày ngày tết; lu trữ nước không đậy kín tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát sinh lăng quăng, trong khi bệnh SXH lây từ người này sang người khác thông qua vật trung gian (muỗi).

Cùng thời gian này, dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng cao so cùng kỳ năm trước. Với khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 1.500 ổ dịch nhỏ. Tình hình bệnh SXH tiếp tục tăng, diễn biến khó dự đoán trong năm 2019. Đó là nhận định của các chuyên gia.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Nếu mỗi người dân không ý thức phòng bệnh SXH, thì bệnh sẽ bùng phát trong cộng đồng. Vì vậy, người dân phải chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng tránh muỗi đốt. Để muỗi không đẻ trứng, không phát sinh bằng cách đậy kín lu, mái chứa nước; thường xuyên thay nước bình hoa; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng...

Theo bác sĩ Nghĩa, hiện nay các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố phối hợp tuyến y tế xã, phường thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch nhỏ mới phát sinh. Tuy vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết của người dân về cách tự bảo vệ sức khỏe và có hành động đúng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ có kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại khu vực nguy cơ cao.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sốt xuất huyết tăng cao, diễn biến phức tạp