Theo dõi trên

Sức sống mới ở vùng cao ở vùng cao

22/02/2018, 10:49

BT- Vượt con đèo quanh co đi thêm chừng 5 km là đến xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) hiện lên yên bình giữa núi rừng xanh thẳm. Hơi lạnh đã len lỏi trong cái nắng vàng hanh nhẹ khiêu khích gọi nàng xuân về sớm trên xã miền núi - vùng căn cứ cách mạng Nam Sơn của Khu 6 và Bình Thuận.

                
Chiều buông nhưng cánh đồng Saluon vẫn rộn    ràng “mùa vàng”.

“Mùa vàng” ấm no

Tháng 12 về. Nắng lên chưa quá đỉnh đầu, đồng bào K’ho, Raglai nhà nhà lại ra đồng. Cánh đồng Saloun, nơi sản xuất lúa lớn nhất xã rộn vang tiếng cười nói, tiếng máy gặt liên hợp nổ xình xịch vui tai. Một vài phụ nữ lúi húi cắt lúa, đàn ông thì ôm từng bó lúa nặng tay nhanh nhẹn đưa vào máy tuốt. Trẻ con cũng theo cha mẹ ra đồng chăn bò, đùa nghịch tung tăng, tất cả vẽ nên bức tranh “mùa vàng” bội thu.

Đây cũng là vụ sản xuất cuối cùng của năm, khi lúa, bắp đầy bồ là lúc có của để trong nhà, trai gái chờ mùa xuân gõ cửa hứa hẹn nên duyên, trẻ con trong làng được khoe áo mới. K’Mén (thôn 3, xã Đông Giang) tay thoăn thoắt cuộn lúa vào máy tuốt. Gió lùa mái tóc xoăn tít lộ gương mặt cháy nắng và bộ râu tua tủa như rễ tre, K’Mén nở nụ cười thân thiện khi thấy tôi đến gần chào hỏi. Nhiều năm cày sâu cuốc bẵm, anh đã quen với ruộng đồng từ rất nhỏ với những lần theo mẹ lên rẫy. Bây giờ K’Mén lập gia đình cùng vợ lại bám cây lúa, cây bắp để có cái ăn cái mặc và cho con đến trường. “Trước đây, ở đây chỉ sản xuất 1 vụ trong năm. Nay có nước hồ Saluon về đủ sản xuất 2 vụ ăn chắc. Nhờ mưa thuận gió hòa, năng suất đạt khá nên nhà nào cũng no cái bụng”, K’ Mén phấn khởi nói.

Toàn cánh đồng Saloun có hơn 80 ha sản xuất lúa. Lúa trúng mùa, được giá, nên dễ hiểu khi xã vận động 130 hộ dân có đất sản xuất quanh khu vực hồ Saloun thực hiện nâng cấp hồ chứa nước đều được đồng bào nhiệt tình hưởng ứng. Các hộ tình nguyện hiến hơn 4,1 ha đất để hoàn thiện công trình. Tháng 12, lúa về đầy kho, các thôn lại xôn xao chuẩn bị cho Lễ cúng lúa mới thể hiện sự tôn vinh và niềm tin của đồng bào đối với cây lúa mẹ, cầu cho cây lúa không bị sâu bệnh, đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.

 Tự ý thức vươn lên thoát nghèo

Bẵng đi 2 năm mới trở lại Đông Giang, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Những con đường nhựa phẳng lỳ nối trung tâm xã đến từng ngõ xóm. Đường sá thông thương, dịch vụ nông thôn cũng nở rộ. Khác với trước, bây giờ không khó để tìm quán cà phê, quán ăn và tiệm internet dừng chân. Anh Bờ Rông Thiết - cán bộ nông nghiệp xã đứng cạnh bên, chỉ tay về phía con đường nhựa thẳng tắp bên kia đồng. Những mái nhà nhấp nhô, tường nhà còn phô ra màu sơn mới. Đó là khu định cư mới cho đồng bào được hình thành trên vùng đất xưa kia là ruộng hoang cằn cỗi dưới chân cánh rừng Saluon hiểm trở. Cũng theo lời anh Thiết, có khoảng 70 hộ tách khẩu ra đây ở. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ tiền và cấp đất xây nhà. Nhớ lại những ngày đầu hình thành, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do không có nước, điện sinh hoạt, nhưng 3 năm nay điện đã thắp sáng từng nhà, nước mát về trong lành.

                
Đường sá thuận lợi từ trung tâm xã vào tận    làng bản.

Lời anh Hoàng Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang trăn trở bên tách trà cuối ngày: “Chặng đường đi qua đã khó, để đạt chuẩn xã nông thôn mới còn khó gấp nhiều lần. Quan trọng nhất phải “làm mới nông thôn mới” từ tư duy, cách làm nghiêm túc và thực chất”. Lãnh đạo xã tự hào khi nói về công trình Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang vừa thi công xong sắp đưa vào sử dụng. Từ nay, đồng bào trong xã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương. Để xóm làng sạch đẹp, xã vận động bà con xử lý rác thải hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại không thả rông gia súc, nước thải sinh hoạt được xử lý đúng  quy định. Điều đáng mừng hơn việc gieo chữ vùng cao luôn duy trì sĩ số, không có học sinh bỏ học giữa chừng… Năm 2017, xã đã hoàn thành tiêu chí số 15 về y tế, nâng tổng số tiêu chí đạt theo Bộ tiêu chí nông thôn mới lên 8 tiêu chí gồm giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, văn hóa, quốc phòng và an ninh.

Trong lửa đạn chiến tranh, đồng bào Đông Giang hăng hái tham gia kháng chiến, góp nhiều sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng đất nước thì ngày nay đồng bào đã tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Đích đến cuối cùng của nông thôn mới không chỉ dừng lại ở con số 19 mà là một chặng đường dài, ở đó đang cần cách nghĩ mới, cách làm mới để gìn giữ và phát huy những thành quả đạt được. Đông Giang đang xây dựng những con người mới và thay đổi tư duy làm mới nông thôn.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức sống mới ở vùng cao ở vùng cao