Theo dõi trên

Suối Bang, mùa bông nhãn

19/05/2017, 08:53

BT- Xã Thắng Hải, thuộc huyện Hàm Tân, vùng đất cuối của Bình Thuận (Tây giáp ranh giới Bà Rịa- Vũng Tàu và Bắc giáp Đồng Nai) chính thức được thành lập vào ngày 3/12/2007, tính đến nay đã gần 10 năm. Quãng thời gian không dài lắm nhưng nơi đây đã diễn ra một cuộc đột phá, thay da đổi thịt ngoạn mục... Miệt vườn Suối Bang, Suối Tứ, Hà Lãng của xã Thắng Hải, nổi tiếng với nhãn xuồng cơm vàng đã níu chân chúng tôi khá lâu. Cả một vùng đất mênh mông xanh mượt cây trái đang tỏa ngát nồng thơm cái mùi đặc trưng của nơi này, mùi bông nhãn.

                
Ông Sử đang chăm sóc vườn nhãn xuồng cơm    vàng.

Nhãn xuồng cơm vàng

Ông Văn Công Thủy, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: Khoảng 3 - 4 năm qua, đa phần nhà vườn đã chuyển ghép nhãn xuồng cơm vàng, hiện Suối Bang đã có hơn 100 ha nhãn giống này. 247 ha nhãn các loại đang được đổi giống với hình thức ghép cuốn chiếu. Tận dụng ngay gốc nhãn da bò trưởng thành để ghép, bà con nông dân ở đây  giảm thiểu mức độ đầu tư ban đầu và rút ngắn thời gian thu hoạch của cây. Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Tân và Hội Nông dân Thắng Hải đã hỗ trợ tích cực mọi mặt, nhất là về kỹ thuật cho việc chuyển đổi giống mới này.

Về xuất xứ giống nhãn xuồng cơm vàng này ông Phan Hai, nông dân thôn Suối Bang, kể: “Ông Tư Trệt quê Gò Công lên lập nghiệp ở vùng Cát Lở là người đầu tiên phát hiện, đặt tên và nhân ra giống nhãn xuồng cơm vàng này”.

Khoảng những năm bảy mươi, thế kỷ trước, Ông Tư tình cờ thấy dưới một tán cây có rất nhiều hạt nhãn lạ, biết là của đàn dơi tha ở đâu đó về đây ăn và nhả hạt. Ông cầm những hạt dơi ăn chưa sạch cơm lên quan sát thì thấy đây là loại nhãn quý khác với những giống nhãn ông đã biết. Linh tính của một người suốt đời gắn bó với vườn tược đã mách bảo ông đây là giống nhãn quý nên ông nhặt tất cả về ươm trồng. Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, chỉ duy nhất một cây trĩu trái, trái nào cũng to nhưng hạt lại rất nhỏ, cơm vàng ươm, dày hơn hẳn các giống nhãn da bò hay nhãn quế và có mùi vị rất thơm ngon. Khi chín vỏ nhãn chuyển nâu sậm, đầu cuống lõm xuống, hai bên nhô nhô giống chiếc xuồng đánh cá nên ông đặt tên cho giống nhãn lạ này là nhãn xuồng cơm vàng. Mãi đến năm 1997 Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thi trái cây các tỉnh phía Nam, giống nhãn xuồng cơm vàng với năng suất lên tới 20 tấn/ha đã thực sự được tôn vinh với giải cao nhất. Và rất nhanh chóng giống nhãn này đã được nhân ra rộng rãi...

Thực tế trong quá trình nhân giống nhãn thơm ngon, năng suất cao này cũng không phải dễ dàng, do đời sống của nhà vườn trước đây khá bấp bênh, không thể chặt bỏ cùng một lúc tất cả để thay giống mới nên hầu hết đã chọn phương án thay giống theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm ghép mỗi ít. Với giá dao động trên dưới 60.000 đồng/kg, gấp ba lần giá nhãn da bò, cây nhãn xuồng cơm vàng đã thực sự đem lại cơm no, áo ấm cho cả vùng quê nghèo này. Đến nay, hầu hết nhà vườn thôn Suối Bang đều đủ ăn và giàu có nhờ giống nhãn ông Tư Trệt tìm ra, có cả những người đã trở thành tỷ phú nhờ việc nhân bán giống nhãn này.

 Thu nhập 800 đến 1 tỷ đồng/năm

Khi giống nhãn xuồng cơm vàng được khẳng định là một đặc sản, được cả nước biết đến, việc đầu tư bắt đầu quy mô, bài bản hơn thì đầu ra và giá cả cũng ổn định dần. Các thương lái tới tận vườn mua, bà con không còn vất vả như trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Sử và bà Huỳnh Thị Xuyến, chủ vườn nhãn 1,5 ha, cho biết: Trước đây, nhà vườn Suối Bang đa phần trồng nhãn da bò và nhãn quế, năng suất thấp, giá thấp, lại bất lực với bệnh chuỗi rồng (khô bông). Nói chung đời sống nhà vườn rất bấp bênh, như trường hợp riêng ông, phải trồng thêm 1 ha mít và 1 ha xoài cát Hòa Lộc thì mới đủ sống. Với cây mít thì thu nhập cũng tạm ổn nhưng cứ đến năm thu hoạch thứ hai thì cây mít lại bị căn bệnh bất trị là bệnh xì mủ, cây chết lần hồi. Từ ngày chuyển sang giống nhãn xuồng cơm vàng, kinh tế gia đình được nâng cao thấy rõ.

Theo chân ông Sử trong khu vườn nhãn xanh mịt đang mùa hoa rộ, hương thơm nức mũi, ông Sử chỉ cho tôi cách phân biệt cây nhãn xuồng cơm vàng so với những cây nhãn khác. Theo tay ông chỉ, lá nhãn xuồng cơm vàng nhỏ, hình dèn dẹt, mặt trên xanh đậm và tất cả các lá đều quăn nhẹ. Với trái thì cơm màu vàng ngà, mọng nước nhưng giòn và thơm là đặc tính nổi trội và khác với những giống nhãn khác. Ông vui vẻ nói: “Tôi suốt đời làm vườn giờ mới biết có giống nhãn ngon như vậy, chỉ tiếc là vợ chồng tôi cũng xế chiều rồi (62 tuổi), nếu không tôi sẽ đầu tư, mở rộng diện tích thêm cho nhãn xuồng cơm vàng. Một mẫu nhãn xuồng cơm vàng, nếu trúng mùa, trúng giá (khoảng 60.000 đồng/kg), trừ chi phí rồi, thu nhập bình quân từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nếu mất mùa mà vẫn giá đó thì vẫn còn lãi 500 triệu đồng. Với một mẫu đất trồng trọt thì làm gì ra chừng ấy tiền? Hỏi sao bà con không ham?!”.

Quả vậy, đi suốt dọc con đường trải nhựa xuyên qua thôn Suối Bang, theo quan sát của tôi, dường như diện tích đất trồng nhãn xuồng cơm vàng đã và đang lấn dần đến gần phần ba đất vườn ở đây.

Tiếp tục dừng chân ở vườn của ông Tổ trưởng tổ 2, Huỳnh Văn Vui. Bà Hà Thị Thảo, vợ ông Vui tiếp chúng tôi trong niềm phấn khích, bà nói ngay: “Nhà tôi mới chỉ ghép đúng 100 cây nhãn xuồng cơm vàng, khi bán bị lúc giá thấp nhất 45.000 đồng/kg, mà đã lãi 150 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ chủ động phân, nước cho ra trái lệch với mùa nhãn rộ (tháng 9, tháng 10) để bán được giá cao hơn. Và nay mai  ông nhà tôi sẽ ghép thêm nhãn xuồng cơm vàng, thay cho giống nhãn da bò”.

Ông Trần Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải chia sẻ thêm từ ý của bà Thảo: “Khác với những giống nhãn khác, nhãn xuồng cơm vàng không cần xử lý vẫn làm trái vụ được, chỉ yêu cầu đầy đủ phân, nước. Hiện nay, rất nhiều nhà vườn đã khoan giếng ngay trong vườn để chủ động nguồn nước tưới. Không chỉ đất Suối Bang, cả thôn Suối Tứ, Hà Lãng lân cận cũng vậy, đều là vùng đất da beo, làm chủ nguồn nước tưới không chỉ chủ động thời gian cho ra quả trái vụ mà còn góp phần nâng cao năng suất”.

Khi được hỏi về tương lai của đặc sản nhãn xuồng cơm vàng, ông An cho biết: Từ việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con đến việc tạo được thương hiệu trên thị trường cả nước là một quá trình không dễ. Hiện chúng tôi đã cùng Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Tân kiến nghị về tỉnh để đưa dần việc sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP (viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practice, là một bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam- tg). Có như vậy mình mới tăng được đầu ra, mở rộng thêm thị trường và khẳng định nhãn xuồng cơm vàng là trái cây có giá trị cao.

Nhìn ánh mắt sáng vui của các nhà vườn, lại nghe được lời tâm huyết của ông Chủ tịch Hội Nông dân, chúng tôi tin rằng trong tương lai rất gần, có lẽ chỉ đến nửa quãng thời gian của 10 năm từ ngày thành lập đến nay, giống nhãn xuồng cơm vàng sẽ làm cho Thắng Hải vươn lên thành xứ sở trù phú, giàu có.

Ký sự: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suối Bang, mùa bông nhãn