Theo dõi trên

Tân Thuận… mùa khát

04/05/2018, 13:45

BT- Ở Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) mùa này, nhiều người đang phải đối mặt với nạn thiếu nước sản xuất và sinh hoạt…

Cả xã thiếu nước

Tân Thuận đã bật dậy và thoát ra khỏi lớp áo nghèo khó để trở thành xã “nông thôn mới” cách đây vài năm. Chính xác là năm 2015 – sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của lãnh đạo huyện và sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh đã tạo đòn bẩy cho Tân Thuận, trở thành một trong những xã cán đích “nông thôn mới”. Để bây giờ, Tân Thuận không còn gắn với nghèo khó. Cổng chào hiên ngang trong một buổi chiều nắng gắt, như bỏ lại những khốn khó lâu nay. 3.000 hộ dân với 16.000 khẩu, thì có đến 2.000 hộ chuyển đổi cây trồng sang thanh long. Chúng tôi ấn tượng với câu nói đơn giản “không có thanh long, Tân Thuận vẫn là xã nghèo” của ông Nguyễn Ngọc Loan - Phó Chủ tịch xã Tân Thuận. Trên thực tế, thanh long gần như  trở thành cây chủ lực cho kinh tế địa phương này. Tuy nhiên, đến Tân Thuận mùa này, cái khó khăn sẽ hiện hữu, khi nước là vấn đề nan giải chưa có hướng đi cụ thể. “Trên thực tế, nước sinh hoạt hiện nay chưa có, người dân vẫn đang dùng nước đóng chai để ăn uống. Nước dùng cho tắm giặt từ nguồn giếng khoan nhưng lại bị tình trạng nước đóng vôi, bà con phải lọc thủ công để tắm giặt, vệ sinh”- ông Nguyễn Ngọc Loan cho biết.

                
Nhiều hộ phải đi xin nước giếng khoan về sử    dụng. Ảnh: Ngọc Lân

Theo đó, khi đạt tiêu chí nông thôn mới, xã Tân Thuận vẫn còn “nợ” tiêu chí 17, đó là nước.  Tuy nhiên, muốn thực hiện tiêu chí này, xã lại phụ thuộc vào hệ thống đường ống từ trung tâm thị trấn Hàm Thuận Nam về Tân Thuận. Tổng kinh phí của làm hệ thống là 34 tỷ đồng, song hiện nay chỉ mới giải ngân được 6 tỷ để lắp đặt hệ thống ống đến đầu xã. Và mọi thứ chỉ dừng lại ở đó… Khi mà, đường ống dẫn nước chính chưa hoàn thiện, nước chưa về, thì bài toán về nước, chuyện thực hiện tiêu chí nước sạch, chuyện đưa nước vào nhà dân khó lòng thực hiện bởi nguồn lực tài chính của Tân Thuận, của dân có hạn…

 Uống nước bình, thiếu nước tưới

 Chưa có nước sạch, nước sạch chưa về, người dân Tân Thuận dùng nước giếng khoan, nước nhiễm phèn, nhiễm vôi, lọc theo cách riêng của mình để sử dụng. Toàn xã có 6/7 thôn chịu chung cảnh nơm nớp lo lắng cho sức khỏe. Chỉ riêng thôn Thanh Phong, giáp ranh với Tân Thành được nối  đường nước sạch tạm thời. Còn lại, người dân phải dùng nước bình 8.000 - 9.000 đồng/bình. “Không phải riêng mình, cả xã ai cũng dùng nước bình” – một người dân thôn Hiệp Lễ, nói.

Không chỉ nước sinh hoạt hàng ngày, Tân Thuận còn đang đối mặt với một khó khăn khác: Nước tưới. Tân Thuận đang nhờ vào thanh long. Hẳn nhiên, hệ thống thủy lợi sẽ là một cứu cánh cho những vườn thanh long xanh mượt, trổ hoa nhờ vào nguồn nước. Hệ thống thủy lợi đập Suối Ke, đập Ba Khai và đập Sông Phan dẫn về. Nhưng, giống như sắp sẵn cho Tân Thuận vận mệnh khi cả hai đập Suối Ké, Ba Khai cạn nước. “Đập không còn nước, nên không thể dẫn về để phân phối”, còn lại đập Sông Phan định kỳ 23 ngày lại xả nước 1 lần. “Tính từ đầu năm đến nay, xả 3 lần. Lần cuối cùng vào ngày 20/4. Mỗi lần xả thì phải 7 ngày sau nước mới đến được địa phương, và dĩ nhiên không tránh khỏi hao hụt trên đường đi” - ông Nguyễn Ngọc Loan chia sẻ.

                
Mua nước sạch đóng bình để uống.

Chờ mưa! Hai từ chẳng còn xa lạ với nông dân. Bởi lẽ, muốn hay không nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng sản xuất thanh long, cụ thể là Hiệp Hòa, Hiệp Phước, Hiệp Lễ… “Nếu chỉ cần kéo dài một tháng thiếu nước, không có nước, thanh long sẽ rơi vào khó khăn. Vì đây là thời điểm hết chong đèn” - một chủ vườn cho biết. Và lo lắng này cũng không phải là không có cơ sở, khi cách đây 3 năm người dân trồng thanh long Tân Thuận đã lao đao vì thiếu nước: dây héo, trái nhỏ không thể bán được. Vậy nên, mỗi khi thời điểm khô hạn, khó khăn về nước nó dễ khiến nông dân “mất ăn mất ngủ”, bởi thanh long là nông sản giúp họ trở nên khá giả, giàu có, nhưng cũng sẵn sàng đưa họ trở lại vạch xuất phát. Ông Nguyễn Ngọc Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết: Hiện nay tỉnh đã có phương án đưa nước từ hồ Sông Móng về Tân Thành, Tân Thuận theo dự án của Nhật Bản, một khi điều ấy diễn ra, Tân Thuận sẽ không còn nỗi lo về nước.                                          

Q.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Thuận… mùa khát