Theo dõi trên

Tánh Linh: Gỡ khó đào tạo nghề cho lao động nông thôn

30/10/2018, 08:55

BT- Trong năm qua, mặc dù số lượng người có nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện Tánh Linh ngày càng giảm, nhưng nhờ sự chủ động bố trí cán bộ phụ trách từng khu vực, bám sát địa bàn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Tánh Linh đã đào tạo nghề cho 518 lao động nông thôn (LĐNT), đạt 103,6% kế hoạch năm. 

Tuyển sinh ngày càng khó

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Tánh Linh cho biết: Triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT (gọi là Đề án 1956), ngay đầu năm, trung tâm chủ động bố trí cán bộ phụ trách từng khu vực, địa bàn nhằm bám sát, tuyển sinh, quản lý các lớp nghề theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời, có sự kết hợp chặt chẽ thông qua chương trình liên tịch với các tổ chức đoàn thể huyện. Nhờ đó, năm 2018, trung tâm mở được 17 lớp đào tạo nghề cho 518 LĐNT, đạt 103,6% kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Phúc, công tác tuyển sinh đào tạo nghề LĐNT trên địa bàn huyện ngày càng khó, bởi qua nắm bắt tình hình thực tế thì lực lượng LĐNT có nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện giảm hẳn so với những năm trước.

Nguyên nhân là do các năm qua số lượng người lao động có nhu cầu đăng ký học nghề khá nhiều. Sau đào tạo, học viên có mong muốn áp dụng nghề đã học để tăng thu nhập, nhưng lại không có nguồn vốn để sản xuất, giá cả các mặt hàng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt thì bấp bênh, không ổn định. Mặt khác, người dân còn mơ hồ về nghề học và không biết lựa chọn nghề nào cho phù hợp. Nhiều người dân cho rằng có học nghề xong cũng sẽ không có việc làm. Vì học xong được cấp giấy chứng chỉ hay chứng chỉ sơ cấp cũng chẳng xin được việc gì hay có giá trị gì, chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình. Do đó, trung tâm rất khó vận động người dân tham gia học nghề, dẫn đến người lao động không mặn mà học nghề. Ngoài ra, trung tâm chỉ có 2 giáo viên cơ hữu lĩnh vực nông nghiệp, phải thỉnh giảng giáo viên các cơ quan chuyên môn trong và ngoài huyện, nên việc bố trí thời gian giáo viên giảng dạy các lớp nghề còn gặp khó khăn. 

Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Dự kiến năm 2019, trên địa bàn huyện chỉ mở được từ 12 đến 14 lớp với khoảng 430 học viên. Trong đó nghề phi nông nghiệp khoảng trên 130 học viên và nghề nông nghiệp khoảng trên 300 học viên. Theo ông Phúc, thời điểm này một số nghề nông nghiệp sau đào tạo có thể áp dụng trên địa bàn huyện như kỹ thuật trồng nấm rơm; bảo vệ thực vật; trồng và chăm sóc cây điều; trồng cây lương thực... Riêng các nghề phi nông nghiệp, hiện nay ở các địa bàn trong huyện có nhiều xưởng may nhỏ lẻ, các hàng quán cũng được mở nhiều vì thế người dân có nhu cầu đào tạo về nghề may công nghiệp, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án 1956 bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách đào tạo nghề, vai trò của đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nhân lực tại nông thôn. Trung tâm xác định cần quan tâm tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng các sản phẩm nông nghiệp mà người lao động làm ra để đào tạo những nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý, đơn vị đào tạo và đơn vị tiêu thụ sản phẩm để người lao động có thu nhập ổn định và bền vững. Có như vậy việc tuyển sinh, đào tạo các lớp nghề nông thôn mới được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Mặt khác, trung tâm sẽ tìm kiếm những giáo viên có chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế trong các ngành nghề đào tạo mang lại kiến thức và kinh nghiệm cho học viên một cách tốt nhất. Trung tâm sẽ cử cán bộ quản lý lớp thường xuyên thăm lớp, trao đổi và tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của học viên cũng như của giáo viên để lớp học có chất lượng hơn… ông Phúc cho biết thêm.

K.ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Gỡ khó đào tạo nghề cho lao động nông thôn