Theo dõi trên

Tạo việc làm cho lao động nông thôn từ nghề may gia công

17/06/2020, 09:28

BT- Vài năm trở lại đây, ở xã Đức Phú, huyện Tánh Linh đã nở rộ nhiều cơ sở may gia công tại nhà. Sự ra đời của mô hình này đã giúp nhiều lao động ở địa phương có công ăn việc làm với thu nhập ổn định mà không cần phải xa quê.

                
      
      Nghề may gia công mang lại thu nhập cho người lao động, đặc biệt là    chị em phụ nữ.

Ghé thăm cơ sở may gia công của anh Nguyễn Hùng Bảo (thôn 1, xã Đức Phú) đúng thời điểm công nhân đang tất bật tăng ca để hoàn thành cho kịp các đơn hàng từ TP. Hồ Chí Minh. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở, anh Bảo cho biết: “Trước đây, tôi làm công nhân may cho một công ty may mặc tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm lăn lộn nơi đất khách quê người nhưng vẫn khó khăn, thiếu thốn. Năm 2017, tôi gom góp tiền và vay mượn thêm của người thân, bạn bè trở về quê để đầu tư máy móc, trang thiết bị và nhận sản phẩm từ TP. Hồ Chí Minh về may gia công để phát triển kinh tế gia đình”. 

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Bảo nhận gia công từ 1.000 - 2.000 sản phẩm may mặc. Có những lúc cao điểm như lễ, tết, đơn hàng nhiều gấp 2 - 3 lần. Nhờ đó, đã có hơn 20 lao động tại địa phương được giải quyết việc làm. “Để hoàn thành một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn như: cắt vải, se lai, vắt sổ, may… nên cần rất nhiều lao động. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tháng là đã có thể may được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Nếu cố gắng, trung bình, mỗi người có thu nhập 4 – 6 triệu đồng/tháng”, anh Bảo cho biết.

Thuộc diện gia đình khó khăn nhưng lại có con nhỏ, vì vậy chị Nguyễn Thị Nguyện, xã Đức Phú không thể đi làm ăn xa. Khi cơ sở may của anh Bảo tuyển lao động, chị Nguyện đến đăng ký việc làm. “Chỉ hơn 1 tháng vừa học vừa làm, tôi đã thành thạo các kỹ thuật may ráp. Lúc đầu học việc thì lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng, đến khi lành nghề thì tăng lên gần 4 triệu đồng/tháng. Có việc làm quanh năm, tôi có tiền lo cho gia đình và con nhỏ”, chị Nguyện phấn khởi cho biết.

Hiện trên địa bàn xã Đức Phú có hơn 10 cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết cho gần 200 lao động của địa phương. Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại địa bàn, các cơ sở may gia công còn thu hút nhiều lao động làm ăn xa quê trở về làm việc. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình, xã Đức Phú, từng là công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, cuộc sống xa nhà rất bấp bênh, thời gian làm việc lại rất nghiêm ngặt nên anh quyết định trở về quê xin việc làm ở xưởng may gia công tại xã. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, mức lương bình quân của anh luôn trên 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Đức Phú cho biết: “Mô hình may gia công là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài nguồn vốn vay giải quyết việc làm, trong thời gian tới, nếu có kênh vay vốn phù hợp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để các cơ sở may tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương”.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo việc làm cho lao động nông thôn từ nghề may gia công