Theo dõi trên

Thận trọng khi tiêm chất filler

13/09/2018, 08:38 - Lượt đọc: 24

BT- Đây là lời cảnh báo mới đây của Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Úc trên chuyên mục sức khỏe - thẩm mỹ của trang tin tức Úc (news.com.au). Hiện nay, làm đẹp bằng phương pháp không phẫu thuật, hiệu quả nhanh chóng, khách hàng không phải chăm sóc sau phẫu thuật và sau khi tiêm filler (chất làm đầy sinh học) sẽ có một vẻ đẹp khá tự nhiên. Đó là tiêm chất làm đầy vào mắt mũi, môi… ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, chất này không phải là chất tốt như nhiều người mong đợi, có thể mang lại nhiều biến chứng cho khách hàng.

                
Mũi bị biến chứng sau khi tiêm filler tại    spa (minh họa).

Theo nghiên cứu năm 2015, thế giới ghi nhận hơn 100 trường hợp bị mù do tiêm chất làm đầy. Một thống kê gần đây nhất, Hàn Quốc là nơi có số lượng người sử dụng chất làm đầy để làm đẹp cao nhất thế giới, và 9 bệnh nhân trong độ tuổi từ 26 - 45 bị mất thị lực sau khi được bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tiêm chất làm đầy (axit hyaluronic). Để cải thiện thị lực cho bệnh nhân tắc mạch máu sau khi tiêm là cực kỳ hiếm. Đến nay, không có ai có thể hồi phục hoàn toàn thị lực. Các chuyên gia khẳng định: “Phẫu thuật thẩm mỹ là phẫu thuật xâm lấn, tiềm ẩn nguy cơ chết người nếu làm đẹp không đúng. Để quy trình tiêm filler tốt hơn, khách hàng cần một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đủ điều kiện, có kiến ​​thức sâu rộng về hệ thống mạch máu”.

Trở lại câu chuyện thẩm mỹ từ chất làm đầy tại các spa, thẩm mỹ viện ở Bình Thuận mọc lên như nấm với lời quảng cáo lôi cuốn như làm đẹp không đau, không để lại sẹo, giá cả hợp lý phải chăng gồm nâng mũi, tạo cằm V-line, làm đầy mặt, môi hồng căng mọng, giảm nếp nhăn… Để thực hiện một can thiệp thẩm mỹ cần đảm bảo quy trình từ thăm khám, tư vấn, xét nghiệm rồi mới đến tiến hành. Tuy nhiên, ở các cơ sở làm đẹp luôn bị bỏ qua nhiều khâu của quy trình. Đáng chú ý, có nhiều loại filler khác nhau trôi nổi trên thị trường, liệu các cơ sở này có chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn? Hơn thế nữa, người thực hiện tiêm tại các dịch vụ spa không phải là bác sĩ thẩm mỹ, hoặc chuyên khoa da liễu… Đến nay, cơ quan chức năng chưa có cuộc thanh kiểm tra các dịch vụ trên. Mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận ca biến chứng do tiêm chất làm đầy, nhưng Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận ca bị mù mắt, mũi tụ mủ… sau tiêm filler tại spa. Điều này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng các cơ sở làm đẹp đua nhau thực hiện các thủ thuật “chui”.

Để tránh những hệ lụy do tiêm filler, ngành y tế cần thanh kiểm tra các cơ sở dịch vụ làm đẹp, hướng dẫn quy định rõ loại hình nào được thực hiện và không được thực hiện tiêm filler… Với người có nhu cầu làm đẹp, thì cần tìm hiểu kỹ thông tin và đến các cơ sở thẩm mỹ có uy tín, có giấy phép của cơ quan chức năng nhằm tránh tình trạng đi làm đẹp không khiến mình đẹp hơn, mà trở nên… biến dạng.

    
    Quá trình   tiêm filler vào khuôn mặt, nếu người thực hiện tiêm nhầm vào mạch máu,   chất này theo động mạch gây tổn thương mô mềm, “giết chết” một số phần   mô mềm nhất định của khuôn mặt để lại vết sẹo xấu hoặc biến dạng khuôn   mặt. Theo mạch máu, chất làm đầy đến góc mắt và sau đó đi vào võng mạc   gây tắc mạch máu, dẫn đến mù 1 hoặc 2 mắt.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thận trọng khi tiêm chất filler