Theo dõi trên

“Thất thập cổ lai hy” vẫn học nghề

26/02/2019, 14:21

 BX- Ở  tuổi “Thất thập cổ lai hy”, cụ Lê Thị Lập, 74 tuổi (phường Tân An, thị xã La Gi) vẫn lặn lội quãng đường xa hơn 60 km để đi học và nhận bằng tốt nghiệp trung cấp y. Đây là câu chuyện hiếm, là một tấm gương sáng cho lớp trẻ hôm nay.

                
Cụ Lập bốc thuốc, khám bệnh cho người    nghèo.

 Còn sức cứ học

Một buổi sáng sớm lành lạnh gió bấc, chúng tôi tìm đến nhà cụ Lập tại số 15, đường Hoàng Diệu. Bước vào nhà thoang thoảng mùi thơm của nhiều loại cây thuốc, cạnh cửa chính là cụ già tóc trắng phơ nhưng ánh mắt khá tinh anh, đang ngồi bắt mạch, bốc thuốc và ân cần dặn dò bệnh nhân cách sắc và uống thuốc. Sau vài câu chào hỏi, cụ Lập kể: Được tin Hội Đông y tỉnh phối hợp Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tổ chức lớp y sĩ y học cổ truyền cho các hội viên đông y (học tại Phan Thiết). Cụ nói với các con, nhưng mọi người ngăn cản “Mẹ tuổi cao sức yếu, không thể nào kham nổi chặng đường đi học dài 3 năm. Mẹ ở nhà cho các con yên tâm”. Vậy là cụ có phần chần chừ, nhưng nghĩ lại cụ vẫn quyết định đi học trễ hơn so với các “bạn” cùng lớp khoảng 2 tuần. Ngày đầu tiên vào lớp, cụ Lập khá bỡ ngỡ, bởi xung quanh nhiều “ bạn” rất trẻ. Dần dần, cụ cũng cố gắng hòa nhập, tham gia phát biểu, thảo luận nhóm và được các “bạn” cùng lớp rất quý mến.

                
Cụ Lập nhận bằng ở tuổi 77.    

“Học để có kiến thức, học để không tụt hậu. Mình làm nghề chữa bệnh, nếu không học, không cập nhật kiến thức, bệnh nhân sẽ là người thiệt thòi. Còn sức khỏe là còn học”.  Đó là lời giải thích của cụ Lập. Và rồi, cứ sáng thứ bảy hàng tuần, cụ thức dậy trước 4 giờ sáng để nấu cơm rồi đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt khoảng 1,5 km  đón xe buýt ra Phan Thiết học. Chiều chủ nhật, cụ lại đón xe buýt về nhà. Mỗi lần lên xe là mỗi lần cụ nôn ói, vì say xe. Về đến nhà, toàn thân đau nhừ. Lắm lúc cụ tự hỏi, cứ nôn ói thế này, liệu có theo hết khóa học? Mặc dù vậy, cụ vẫn quyết tâm suốt 3 năm để theo học trọn vẹn chương trình và nhận bằng tốt nghiệp ở tuổi 77, cùng 53 “bạn” chung lớp vào tháng 8/2018. Để có tiền trang trải học phí (13 triệu đồng/năm), các chi phí ăn ở đi lại (2,5 triệu đồng/tháng), cụ sử dụng từ lương hưu và từ việc khám bệnh bốc thuốc.

 Tự chữa bệnh

Cụ Lập  nhớ lại: Trước đó, cụ phải lo 4 đứa con ăn học đều có bằng cử nhân; khá vất vả, không có tiền mua sách để đọc, chủ yếu sưu tầm các bài thuốc từ báo chí, từ dân gian, người đi trước để ghi chép lại. Ban đêm các con ngủ hết, tôi mới bắt đầu đọc những gì sưu tầm được và tranh thủ ngày chủ nhật đạp xe vào khu Suối Nước, Suối Đĩa để tìm, nhận biết loại cây thuốc nam. Sau khi tìm được, tôi đem về phơi khô, tự chữa bệnh cho chính mình mỗi khi ho, đau nhức… và hỏi thêm các thầy thuốc. Cứ thế, tôi tự học trong suốt gần 9 năm. Đến nay, tôi có thể nhận biết hơn 100 loại cây thuốc tươi. Chẳng hạn cây dâu tằm gồm lá, cành, rễ, thân… Mỗi thành phần cây dâu tằm chữa mỗi loại bệnh khác nhau. Mỗi bài thuốc gồm nhiều loại thảo dược kết hợp với nhau theo tỷ lệ nhất định và gia giảm theo từng mùa và cơ địa mỗi bệnh nhân.

Bệnh nhân đầu tiên tôi thăm khám trong trạng thái sốt, chảy nước mắt, người mệt lã… Tôi bắt mạch, chẩn đoán cảm cúm, tặng 3 thang thuốc, uống 3 ngày, yêu cầu đi bệnh viện nếu sau khi uống 3 thang không khỏi. Tuy nhiên, sau khi uống 2 thang, bệnh nhân khỏi bệnh, quay lại cảm ơn. Kể từ đó, nhiều bệnh nhân khác đến với cụ, chưa có chuyện bất trắc xảy ra trong quá trình điều trị. Trung bình mỗi ngày có từ 5 – 10 bệnh nhân đến tìm cụ khám chữa bệnh. Năm 2002, cụ Lập chính thức bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Với người có điều kiện, thì trả 20.000 đồng/thang thuốc. Năm 2008, cụ trở thành hội viên của Hội Đông y.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy (Phước Hội), cách đây gần 10 năm, con trai chị ăn không tiêu, bụng đau, gia đình không tiền chữa bệnh bằng tây y. Trong làng có người mách tới cụ Lập xin thuốc về uống. Chị tìm tới, cụ cho thuốc uống chữa hết bệnh. Đã cho thuốc uống lại thấy tôi khổ, không nghề nghiệp, cụ giúp vốn bán nước giải khát ven đường. Cuộc sống hiện nay của chị Thủy đã ổn, chị không bao giờ quên ơn những gì cụ giúp. Chị Thủy gọi cụ là “mẹ nuôi”.

“Làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân, vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Nếu vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được. Sống hãy cho đi. Nụ cười bệnh nhân khi lành bệnh là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh được”. Cụ Lập nói như thế!

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Thất thập cổ lai hy” vẫn học nghề