Theo dõi trên

Thêm hướng làm giàu cho nông dân Phan Thiết

04/04/2017, 09:28 - Lượt đọc: 6

BT- Từ một người đam mê hoa và cây cảnh, ông Đặng Thanh Tấn (Chủ tịch Hội Nông dân TP. Phan Thiết) đã thực hiện thành công đề tài ứng dụng kỹ thuật ghép hoa sứ Thái Lan trên các gốc sứ thông thường để nâng cao chất lượng, chủng loại giống hoa và sắp tới sẽ chuyển giao cho các hộ dân ở Phan Thiết trồng…

                
Ông Tấn đang chăm sóc hoa sứ Thái ghép.

“Kết duyên” với sứ Thái

Trong một dịp tham quan vườn sứ Thái ghép ở Sa Đéc (Đồng Tháp) và TP. Hồ Chí Minh (tháng 10/2016), ông Đặng Thanh Tấn nhận thấy nhiều nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở vùng này khá lên nhờ sứ Thái. Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, tại các hội chợ hoa người dân Phan Thiết cũng khá chuộng giống hoa này bởi đây là loài dễ trồng, chịu được khí hậu nắng nóng khắc nghiệt. Diện tích trồng cây sứ không tốn nhiều đất, đầu tư cho cây giống không nhiều, tuy nhiên cây sứ của địa phương chưa đa dạng, chủ yếu là các giống truyền thống: thân cành lớn, cây cao, hoa 5 cánh nhỏ, màu sắc đơn điệu (trắng, hồng, đỏ, vàng) được trồng rải rác, còn giống sứ Thái (hoa to, cánh xếp, cây thấp) để làm kiểng chậu thì chưa có cơ sở kinh doanh nào thực sự quy mô, là địa chỉ cho người dân địa phương tham quan, mua giống. Ngoài ra, quy trình trồng và chăm sóc cây sứ tại địa phương chưa được nghiên cứu cụ thể để người trồng áp dụng nhằm mang lại hiệu quả cao, nhất là trong phòng trừ sâu, bệnh và điều khiển ra hoa. Đặc biệt là quy trình ghép sứ còn nhiều mới lạ với người trồng, rất cần một quy trình chuẩn cho người dân địa phương áp dụng… Từ đó đề tài ứng dụng kỹ thuật ghép hoa sứ Thái Lan trên các gốc sứ thông thường đã ra đời.         

Ông Tấn đã quay trở lại Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh mua 500 gốc sứ và 125 cây sứ Thái đã được ghép sẵn về làm giống và bắt tay ngay vào thực hiện việc cấy ghép và chăm sóc.  

Sẽ chuyển giao cho các hộ dân

Dưới cái nắng dịu nhẹ của buổi sớm mai những ngày đầu tháng 4, hàng trăm gốc sứ Thái ghép tại khu mô hình ở khu dân cư Hùng Vương đua nhau nở hoa khoe đủ màu sắc. Ông Tấn cẩn thận tách từng chậu ra để chúng tôi tiện ngắm và chụp hình, rồi say sưa giải thích ý nghĩa từng cái tên của loại sứ cũng như quy trình chọn, cách ghép cho cây phát triển khỏe nhất. “So với giống sứ cũ địa phương, thì sứ Thái ghép ra hoa nhiều đợt và hoa tươi lâu hơn, rất thích hợp để ở bàn làm việc, phòng khách… Khoảng 2 tháng sứ Thái sẽ ra một đợt hoa, một số loại như thần tài, kim lân, kỳ duyên, hồng duyên ra hoa quanh năm”, ông Tấn cho biết.

 Theo ông Tấn, quy trình trồng và ghép sứ Thái đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên khả năng nhân rộng mô hình này là khả thi. Có nhiều cách ghép như: ghép vạt chữ V, ghép ngang bằng hay ghép đứng, ghép tiết kiệm, ghép lên rễ, ghép ngang bằng những đoạn thân nhánh sứ giống. “Để lai tạo ra được nhiều giống hoa mới lạ, nhiều màu sắc, người trồng thường cắt và ghép mô từ các loại sứ khác. Kỹ thuật lai tạo cũng đơn giản, chỉ cần hướng dẫn qua là có thể thực hiện được. Tuy nhiên nhà vườn cũng cần chú ý khi cắt ghép cây sứ nên chọn mùa nắng, không nên ghép vào tháng mưa nhiều sẽ đạt hiệu quả không cao”.

Trong tháng 4/2017, Hội Nông dân thành phố sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sứ Thái cho 6 hộ nông dân ở Phong Nẫm, Tiến Lợi, Xuân An, Phú Thủy và chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân có nhu cầu. Hy vọng giống sứ Thái ghép này sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu của người chơi cây cảnh ở địa phương, tạo hướng đi mới cho người dân trong canh tác, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập.

 Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm hướng làm giàu cho nông dân Phan Thiết