Theo dõi trên

Thuận Quý xưa và nay

14/08/2020, 08:53

BT- Năm 1984, tôi cầm trên tay tờ quyết định thuyên chuyển về dạy tại Trường Suối Nhum mà cứ ớ ra, chưa biết nơi ấy là đâu. Theo sự hướng dẫn, tôi đi xe đạp đến Cây Khô, Tân Thành rồi quẹo trái, hướng vào núi Tà Đặng, qua khỏi mấy đám ruộng nhỏ thì không đi được nữa. Cát. Một con đường mòn ngoằn ngoèo, thoai thoải dốc, toàn cát là cát.  Tôi buộc phải vác chiếc xe đạp lên vai và nhoài người bươn về phía trước. Nắng chói chang, cát dưới chân hầm hập nóng mà lại không mang dép được, có đoạn tôi phải bẻ một nhúm chà cây ném về phía trước rồi bươn thật nhanh đặt chân lên đó, khi bươn tiếp lại ném chà cây về phía trước… Càng đi rừng càng hiện ra, dày đặc dần, cây cối rậm rịt hơn. Đỡ nóng nhưng đến ngã ba có một cây dầu lớn thì tôi quỵ xuống, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chiếc xe đạp trên vai trở nên quá nặng. Bỏ cuộc?! Trả quyết định?! Sau một hồi đấu tranh với chính mình, tôi đã không quay lại. Cho đến giờ này, tôi thầm cảm ơn ý chí của mình lúc đó, nhờ vậy mà trong tôi giờ đây đầy  ắp những...

Suối Nhum và những chiều đầy gió

Trường Suối Nhum tọa lạc trên đỉnh đồi trung tâm điểm dân cư, gọi là Đội Hai. Chính những buổi chiều đầy gió ở đây, tôi đã bắt đầu có những hiểu biết đầu tiên về vùng đất kháng chiến này.

Ngược dòng lịch sử, khoảng năm 1948, toàn tỉnh có 6 trường văn hóa thì nơi đây đã có 1 trường khá nổi tiếng là Trường 5 (1948 - 1951) do thầy Nguyễn Ngọc Trác (Mười Hạp) làm hiệu trưởng, đóng trên địa bàn (lúc bấy giờ gọi là xã Minh Cảnh). Các cơ quan, trường huấn luyện quân, trạm xá, binh công xưởng… lần lượt được tỉnh đưa về đóng trên địa bàn và quanh các xã lân cận. Chính những điều kiện đó đã tạo cho nơi đây trở thành một vị trí quan trọng với Khu I, với huyện, tỉnh trong nguyên cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khu I Tam Minh gồm 3 xã Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành là nơi nối liền giữa Phan Thiết, Hàm Thuận và Hàm Tân, có biển, bưng, rừng, núi, địa thế hiểm trở, thuận lợi cho lực lượng kháng chiến đứng chân.

Cuối năm 1949, huyện Hàm Thuận chuyển giao xã Minh Cảnh về huyện Hàm Tân và Minh Cảnh hợp với Minh Thành lập nên xã Tân Thành. Xã mới Tân Thành bao gồm cả Minh Cảnh được giữ nguyên đến năm 1952. Năm 1953, xã Tân Thành lại được chia thành 3 xã mới: Xã Tân Thành gồm các thôn Minh Hòa (Bà Đặng), Minh Hiệp, Minh Lập; xã Tân Dân gồm các thôn Minh Tạo và Minh Tiến; xã Tân Tiến gồm các thôn Minh Phùng (Bưng Bí), Minh Cường (Xóm Xẩm), Minh Phong (Suối Nhum).

Năm 1954, giặc Pháp tái chiếm Bình Thuận, dân các nơi từ Phan Thiết, Tú Luông, Kê Gà vào Minh Cảnh lập làng kháng chiến Kim Bình, xã mới lúc bấy giờ cũng có tên là xã Kim Bình. (Nghe theo chủ trương của Đảng về việc bất hợp tác, vườn không nhà trống, dân chúng vào tụ cư nhiều nhất theo các bưng, các gộp: bưng Cò Ke, bưng Giàn Xay, bưng Bí, bưng Quẹo, bưng Trường, bưng Kỳ Hào, suối Nhum, gộp Bà Đặng…). Xã kháng chiến Kim Bình được rào tre gai, chà cây sầm theo từng thôn, các hầm, mương chông liên hoàn và bố phòng cẩn mật, muốn vào xã chỉ độc một con đường được canh gác thường xuyên. Kim Bình ngày càng lớn mạnh, vững chắc, trở thành căn cứ kháng chiến, là nơi cung cấp nhiều nhân tài vật lực cho huyện, cho tỉnh. Các lực lượng dân quân chính thường về đây mở lớp huấn luyện, chỉnh quân. Trường luyện quân của tỉnh đóng ngay trên địa bàn xã tiếp nhận thanh niên các nơi về để huấn luyện bổ sung cho các đơn vị ngoài mặt trận, Binh công xưởng của Trung đoàn 82 đóng ở gộp Bà Đặng hoạt động ngày đêm,

Cũng nên nói thêm Trạm giao bưu Tây Sơn được tỉnh bố trí ở Kê Gà, Ty giáo dục Bình Thuận đóng ở Minh Thành góp phần tạo thêm không khí tích cực học tập, lao động, chiến đấu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến khí thế kháng chiến chống giặc của nhân dân toàn xã Kim Bình.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, xã Kim Bình tiếp nhận một số lớn dân di cư từ đảo Phú Quý vào hình thành nên khu kinh tế mới Suối Nhum. Lúc bấy giờ, xã Kim Bình trở thành điểm Suối Nhum trực thuộc xã Tân Thành, Điểm Trưởng là ông Nguyễn Văn Khải, còn gọi là ông Ké (người đầu tiên đón tôi tại cửa rừng Suối Nhum trong ngày đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ).

Ngày 30/12/1982, theo Quyết định số 204-HĐBT, ranh giới một số huyện trong tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) được phân định lại, trong đó huyện Hàm Thuận được chia thành 2 huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Tháng 6/1983, huyện mới bắt đầu hoạt động, điểm Suối Nhum (Tân Thành) thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 73/HĐBT, ký ngày 20/6/1986, xã Thuận Quý được thành lập chính thức và giữ nguyên cho tới ngày nay.

Xã Thuận Quý là một địa phương ven biển phía Đông của Hàm Thuận Nam, chính thức được thành lập từ năm 1986. Xã được chia thành 3 thôn: Thuận Minh, Thuận Thành và Thuận Cường. Dân cư sống tập trung chủ yếu dọc theo các con đường chính và khu trung tâm xã. 

Thuận Quý ngày nay

Năm 1990, tôi rời Thuận Quý đến nơi công tác mới nhưng lòng vẫn đau đáu hướng về nơi mình đã gắn bó một thời gian dài. Rất nhiều học trò của tôi ngày nay đã trở thành những công dân tốt, những lãnh đạo có năng lực của xã. Có nhiều em vẫn còn thường xuyên kết nối với tôi, xin ý kiến thầy trong những quyết định quan trọng hoặc những bước đi khó khăn mà các em chưa thật sự tự tin. Tình cảm đó, sự tin yêu đó của các em đã làm ấm áp lòng tôi như một phần đời sống tinh thần không thể thiếu của mình.

Thời còn dạy ở đây, ngoài việc đi tìm hiểu ở Đội Bảy, là làng kháng chiến cũ, tôi cũng thường đi thăm phụ huynh học sinh ở ven biển. Bãi biển ở đây tuy dài khoảng 4 km nhưng là bãi ngang, không có cửa biển nên ít có khả năng khai thác xa bờ. Phần lớn ngư dân gốc đảo Phú Quý có nghề truyền thống là lặn sò nhưng ngư trường ở đây không thuận tiện nên chưa phát huy tiềm lực ngành nghề này. Mặc dù đây là vùng biển phong phú về chủng loại hải sản nhưng sản lượng đánh bắt không đáng kể.

Sau này, nhờ đoạn bờ biển dài 4 km nên ngành du lịch Thuận Quý đang trên đà phát triển mạnh. Ngành này do tỉnh quản lý nhưng cũng đã giải quyết đáng kể số nhân công lao động. Một số người dân đã phát triển buôn bán nhỏ lẻ và các dịch vụ.

Đến năm 2015, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản ổn định. Đường Hàm Minh - Thuận Quý (nối liền tỉnh lộ 719 với quốc lộ 1A tại điểm Km23), được tráng nhựa với chiều dài 17 km, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 5,5m. Đường 719 Thuận Quý đi Tiến Thành (Phan Thiết) và đi Tân Thành (Hàm Thuận Nam) đã được trải nhựa với chiều dài qua xã 4,6 km, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 6 m. Đường ngã ba Thuận Quý đi Hòn Giồ (Tiến Thành) dài 3,5 km, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 3,5 m. Đường trung tâm xã đi khu dân cư Đội 7 cấp phối sỏi đỏ với chiều dài 2,5 km, nền đường rộng 9 m, mặt đường cấp phối sỏi đỏ rộng 5,5 m. Ngoài 4 trục đường chính, Thuận Quý còn có mạng lưới giao thông nông thôn với tổng chiều dài 14,6 km, trong đó 6,5 km là đường cấp phối bê tông và sỏi đỏ, 8,1 km là đường đất. Đặc biệt, đến năm 2015, 100% hộ dân trong xã đều có sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.

Dân cư Thuận Quý bây giờ đông đúc hơn hẳn cái thời tôi chân ướt chân ráo về đây. Gần 800 hộ dân phân bố đều ở cả 3 thôn: Thuận Minh, Thuận Thành và Thuận Cường. Cả 3 thôn đều đăng ký xây  dựng thôn văn hóa. Theo đánh giá của huyện là Thuận Quý đã chỉ đạo, vận động, khắc phục khó khăn, tổ chức rất tốt, đã thật sự tạo được một phong trào hoạt động mạnh và đều khắp trong các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng các thôn văn hóa thành công đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống xã hội.

Về kinh tế, với thổ nhưỡng đặc biệt hình thành từ trầm tích sông biển, với nhóm đất pha cát, đất xám và nguồn nước mạch khá sạch đã tạo cho Thuận Quý một ưu thế hơn hẳn các địa phương khác về việc canh tác cây thanh long. Nhất là dễ đạt chuẩn trong việc thực hiện sản xuất thanh long VietGAP và các chuẩn khác (toàn xã đã có 329,06 ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP, đạt 83,94% diện tích). Ngay cả hàng xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thì thanh long Thuận Quý cũng thường cao hơn đến 3 giá so với chung quanh.

Với 4 km bờ biển, mặt mạnh đáng kể khác của Thuận Quý là du lịch, lượng khách du lịch, nghỉ dưỡng ổn định hàng năm hơn 40.000.

Tôi gặp ông Võ Văn Trường, Bí thư Đảng bộ xã Thuận Quý trong một ngày tháng 5 tại văn phòng mới xây khang trang, ông vui vẻ nói về đời sống nhân dân Thuận Quý ngày nay đã khá cao. Toàn xã đã bám sát mục tiêu phát triển mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ đưa ra: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ gắn với thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cây trồng vật nuôi, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, duy trì giữ chuẩn nông thôn mới.

Tôi thật sự tin trong tương lai gần Thuận Quý sẽ là một địa phương phát triển vượt bậc. Nhớ lại những ngày đầu, khi Thuận Quý còn là điểm dân cư Suối Nhum trực thuộc xã Tân Thành, tôi không sao kìm nén được cảm xúc, tôi vui mừng vì nơi đây đã vượt lên khó khăn, gian khổ trở thành miền đất hạnh phúc như ngày nay.

Tùy bút củaNGUYỄN HIỆP



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuận Quý xưa và nay