Theo dõi trên

Thực hiện DS - KHHGĐ: Mức sinh giảm khá nhanh

28/11/2017, 08:35 - Lượt đọc: 82

BT- Thời gian qua, trong điều kiện còn khó khăn nhiều mặt nhưng tỉnh đã chủ  động ban hành nhiều chính sách quan trọng, mang tính đột phá để công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đạt hiệu quả cao, góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu của Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020.

Những con số biết nói

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 1994, DS toàn tỉnh là 907.931 người, ước tính năm 2017 có 1.233.333 người (với tỷ lệ tăng DS 0,87%). Từ năm 1994 đến năm 2017 tăng 325.402 người, chiếm 35,8%, bình quân dân số tăng hàng năm là 1,56%. Mức sinh giảm khá nhanh, tỷ suất sinh năm 1994 ở mức 34,4‰, đến năm 2017 giảm còn 13,4‰; bình quân hàng năm giảm 0,91‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vào năm 1994 khoảng 42%, đến năm 2017 giảm còn 13,9% (giảm 28,1%), bình quân mỗi năm giảm 1,22%. Tỷ lệ tăng DS tự nhiên năm 1994 là 2,51%, đến năm  2017  tỷ lệ này giảm còn 0,9%. Điểm qua một vài con số để thấy rằng, nhờ thực hiện khá tốt công tác DS-KHHGĐ, tỉnh đã chủ động kiểm soát được tỷ lệ tăng dân số, dự báo đúng quy mô dân số của từng giai đoạn. Từ đó, làm cơ sở cho các chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế  -  xã hội của địa phương.

Mặt khác, trong điều kiện thu hẹp đối tượng hỗ trợ miễn phí các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Nhờ đó, chất lượng các dịch vụ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, người cao tuổi được nâng cao. Ngoài ngân sách được bố trí theo chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động, công tác DS - KHHGĐ. Từ năm 2004 đến năm 2017, tổng kinh phí đầu tư cho công tác DS  -  KHHGĐ của tỉnh đạt trên 120 tỷ đồng - chưa kể kinh phí chi quản lý nhà nước, chi thường xuyên. Ngoài ra, ngân sách, định mức chi cho công tác DS - KHHGĐ của tỉnh tăng hàng năm và được công khai, tạo điều kiện cho công tác giám sát, kiểm tra của các cấp.

 Lồng ghép dân số với kinh tế - xã hội

Mặc dù các cấp, các ngành tập trung nhiều vào giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, các biện pháp  khác như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư  vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, song việc giảm tình trạng hôn nhân cận huyết thống và nạn tảo hôn vẫn còn ở một số vùng. Việc tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt đối với người cao tuổi neo đơn, gia đình có thu nhập chưa đạt như mong muốn nên tuổi thọ người dân tuy có tăng nhưng chất lượng  cuộc sống người cao tuổi còn thấp. Bình Thuận đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” song trên thực tế tỷ lệ đào tạo nghề thấp, số lao động không tìm kiếm được việc làm còn cao, cơ hội “dân số vàng” không vững chắc… Do đó, thời gian tới, để triển khai lồng ghép các vấn đề dân số trong phát triển kinh tế  -  xã  hội bền vững, trước hết cần phải phát hiện, nắm bắt chính xác và phân tích sâu sắc tình  hình dân số. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong việc tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với các yếu tố dân số. Trong đó, chú ý về quy mô dân số, chất lượng dân số, cơ cấu dân số,  phân bố dân cư để bảo đảm thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi và có tính khả thi cao.                         

Kim Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện DS - KHHGĐ: Mức sinh giảm khá nhanh